Trang chủ Bệnh thường gặp Bị ngộ độc thức ăn – Triệu chứng, cách xử lý hữu...

Bị ngộ độc thức ăn – Triệu chứng, cách xử lý hữu ích

Bị ngộ độc thức ăn là bệnh truyền qua thực phẩm, xảy ra phổ biến, nhất là ở các nước đang phát triển. Biểu hiện của bệnh thay đổi tùy theo tác nhân gây bệnh, số lượng vi sinh vật bị nhiễm và sức đề kháng của cơ thể người bệnh.
Ở trẻ em, nếu bệnh tái phát nhiều lần hay kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, làm giảm sức đề kháng và chậm tăng trưởng. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra các biến chứng nặng nề ngoài đường tiêu hóa, để lại các di chứng sau này.

Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn

Nguồn nguyên liệu chính làm thức ăn là các vật nuôi làm thực phẩm vốn chứa rất nhiều vi trùng, đặc biệt là trong đường tiêu hóa. Tương tự, trái cây tươi, củ quả, rau xanh cũng dễ chứa vi trùng trên bề mặt do sử dụng phân bón hữu cơ từ chăn nuôi hay nước tưới nhiễm trùng từ nước thải. Thủy hải sản nhiễm vi trùng và virus từ nguồn nước bị ô nhiễm.

Có thể bạn quan tâm:

Nguyên nhân đầu tiên làm thức ăn bị nhiễm vi sinh vật là do dùng nguyên liệu nhiễm trùng, nguyên liệu sống, rau xanh trái cây sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất. Loại thức ăn có nguồn gốc hỗn hợp từ nhiều sinh vật sẽ có nguy cơ cao và ảnh hưởng rộng hơn loại thực phẩm chế biến từ một sinh vật.

Các loại thực phẩm tồn trữ, bảo quản, chế biến, vận chuyển không đúng cách dễ bị lây nhiễm vi sinh vật và lan tỏa độc tố. Ô nhiễm thực phẩm có thể xảy ra khi chúng chạm vào nguồn thức ăn bị nhiễm khác hoặc tiếp xúc với dụng cụ chế biến thực phẩm bị ô nhiễm như kệ đựng thức ăn, dao, thớt.

Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn
Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn

Những người dễ bị ngộ độc thức ăn là?

– Hệ thống miễn dịch bị yếu như trẻ nhỏ 2 đến 5 tuổi do chưa có đủ kháng thể để bảo vệ cơ thể, chưa   có thói quen vệ sinh và do giảm dần lượng kháng thể có trong sữa mẹ, phụ nữ có thai.
– Người già, người bị bệnh về máu, mắc bệnh mãn tính (suy thận, tim, đái tháo đường…), người già sống trong nhà dưỡng lão, giảm acid dạ dày.
– Người đang dùng một số thuốc gây giảm khả năng chống đỡ với nhiễm trùng như corticoides, thuốc hóa trị ung thư, thuốc chống thải ghép.

– Thói quen ăn uống thiếu vệ sinh, không có tập quán dùng xà phòng rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, dùng thức ăn sống, sữa không tiệt trùng.
– Điều kiện sống kém, thiếu kiến thức vệ sinh nhà cửa môi trường, thiếu nhà vệ sinh, thiết bị vệ sinh chưa đúng tiêu chuẩn. Cộng đồng sống chật chội, thiếu nguồn nước sạch, hệ thống xử lý chất thải, thiếu phương tiện dự trữ và bảo quản thực phẩm làm lây lan mầm bệnh ra môi trường.

Biểu hiện và điều trị khi bị ngộ độc thức ăn

– Tùy thuộc vào từng loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và chất độc đã ăn vào mà triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện vài phút sau khi ăn hoặc vài ngày, vài tuần sau đó.
– Tiêu chảy có khi thoáng qua, tự hết cũng có khi rầm rộ, phân toàn nước hoặc có nhầy máu. Đau bụng âm ỉ, mót rặn hay quặn từng cơn. Buồn nôn và nôn, có khi kèm theo sốt cao lạnh run nếu kéo dài hơn 24h dễ đưa đến tình trạng nhiễm trùng huyết.
– Mức độ nặng nhẹ của bệnh tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và cơ địa của mỗi người. Ở người già, người bệnh mãn tính, trẻ còn quá nhỏ thì bệnh nhanh chóng tiến triển nặng vì sức chịu đựng kém của cơ thể với tình trạng mất nước và nhiễm trùng.

Cần đến bệnh viện khi có triệu chứng bị ngộ độc thức ăn
Cần đến bệnh viện khi có triệu chứng bị ngộ độc thức ăn

Có thể bạn quan tâm:

Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm thường dựa trên diễn biến của bệnh và những triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể xác định một loại thức ăn hay vi sinh vật nào đó gây bệnh nhất là khi bệnh chỉ nhẹ và cải thiện trong vòng vài ngày.

Dấu hiệu biểu hiện ngộ độc thức ăn nặng như: khát nước nhiều, khô môi, mắt trũng, da nhăn nheo, giọng nói yếu, tay chân lạnh, mạch nhanh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục sốt cao kéo dài thì nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nguyên nhân làm cho bệnh trở nên nặng nề là do tình trạng mất nước, mất các chất hòa tan (chất điện giải) và tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc. Điều chỉnh các rối loạn này sớm để tránh các biến chứng.
Uống bù nước, điện giải càng sớm càng tốt nhằm bổ sung lượng đã mất và lượng theo nhu cầu hàng ngày của cơ thể để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Đối với những trường hợp mất nước nặng hay mất nước nhanh quá không bù kịp bằng đường uống hoặc nôn ói nhiều, bệnh nhân có thể rối loạn tri giác thì bù nước, điện giải qua đường truyền tĩnh mạch. Nên duy trì việc ăn uống trong lúc tiêu chảy vì sẽ làm giảm nhanh các rối loạn hấp thu ruột do nhiễm trùng, rút ngắn thời gian tiêu chảy, giúp phòng tránh được suy dinh dưỡng.
Nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, tránh ăn thức ăn, nước uống chứa nhiều đường vì làm cho tình trạng tiêu chảy nhiều hơn nữa. Kháng sinh chỉ nên sử dụng khi có sốt và nhiễm trùng nhiễm độc nặng hoặc phân có nhày máu hoặc trên cơ địa suy giảm miễn dịch. Không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy (imodium) vì chúng có thể gây kéo dài thời gian bị bệnh do chậm thải vi trùng.

Phòng ngừa bị ngộ độc thức ăn

Trước hết, chúng ta nên ăn chín uống sôi. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn hay sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã lót. Đối với trẻ bú bình cần phải rửa sạch, đun sôi bình sữa trước khi cho trẻ bú. Những người chế biến thực phẩm phải rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã lót hay sau khi chăm sóc vật nuôi trước khi xử lý thực phẩm để chế biến thức ăn, nếu không, người chế biến có thể gây ô nhiễm thực phẩm bởi các vi sinh vật có trong phân.

Cải thiện vệ sinh môi trường sống, sử dụng nguồn nước sạch, cung cấp thiết bị vệ sinh cho cộng đồng. Cần phải giáo dục tập quán vệ sinh ăn uống, cách bảo quản thực phẩm cho các cơ sở, những người hành nghề cung cấp và chế biến thực phẩm. Tránh dùng thực phẩm hay nguyên liệu không an toàn như trứng bị vỡ dập, thịt cá, hải sản không tươi. Phải phân biệt khu vực cho nguyên liệu sống và thực phẩm chín để tránh nhiễm khuẩn chéo. Không nên để thực phẩm đã chế biến ở nhiệt độ phòng quá lâu, nên xem hạn sử dụng in trên bao bì là chỉ số an toàn, chất lượng của thực phẩm.
• Không nên uống sữa chưa tiệt trùng hay dùng các thực phẩm có chứa sữa chưa được tiệt trùng.
• Đối với trái cây, rau, củ, quả tươi phải rửa thật kỹ dưới vòi nước sạch trước khi dùng.
• Các loại thực phẩm đã nấu sẵn, thức ăn ngay hay thực phẩm dễ ôi thiu thì phải dùng càng sớm càng tốt.
• Nên rửa tay, dao, thớt ngay sau khi xử lý xong thực phẩm tươi sống (thịt, cá, gia cầm sống).
• Đối với thức ăn là các loại hải sản thì phải nấu chín để làm giảm nguy cơ ngộ độc không nên ăn sống vì dễ nhiễm ký sinh trùng.
• Thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải giữ nhiệt độ 4oC hoặc thấp hơn, tủ đông nhiệt độ khoảng 0oC hoặc thấp hơn.
• Cần phải làm lạnh thực phẩm kịp thời không nên để thức ăn ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.
• Đối với những người chuẩn bị đi vào vùng dịch thì nên chủng ngừa vắc xin chống vi trùng.
Để ngăn chặn việc lây nhiễm trong cộng đồng, gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp thì người bệnh phải rất thận trọng nên nghỉ học hoặc nghỉ làm trong thời gian mắc bệnh.
Bài viết trên đây đã chia sẻ đến bạn đọc mọi thông tin hữu ích về bị ngộ độc thức ăn. Chúc bạn đọc nhiều sức khỏe!
Tổng hợp: suckhoechoban.net

Đọc nhiều nhất