Ung thư vú chiếm tỷ lệ 11.7% trong số các ca bệnh ung thư trên thế giới. Tuy nhiên, theo thống kê gần đây thì số ca mắc ung thư vú đang ngày càng gia tăng và có dấu hiệu trẻ hóa. Vì vậy, hiểu và nắm được những thông tin về bệnh và biện pháp tầm soát, phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn tốt hơn.
Tìm hiểu bệnh ung thư vú (breast cancer)
Ung thư vú là khối u ác tính hình thành trong mô của tuyến vú. Sau đó, tùy thuộc vào các giai đoạn phát triển, các tế bào ung thư có thể sẽ lan rộng ra toàn bộ bầu vú và di căn đến những bộ phận khác trên cơ thể.
Bệnh UTV có thể xuất hiện ở cả nam và nữ giới nhưng chủ yếu vẫn là ở nữ giới. Theo kết quả thống kê thì UTV chiếm tới 24.5% các ca ung thư toàn cầu ở nữ. U vú ác tính là căn bệnh tiềm ẩn tỷ lệ tử vong cao nhất ở phụ nữ hiện nay.
U vú ác tính gồm có u ác tính ở ống tuyến vú, ung thư tiểu thùy, UTV dạng viêm. Chúng được phân loại thành UTV xâm lấn và UTV không xâm lấn. Bệnh u vú ác tính thường gặp nhất ở nữ giới độ tuổi ngoài 50. Tuy nhiên, qua kết quả mới đây, số ca mắc phải ở nữ giới ngày càng được trẻ hóa. Do đó, việc theo dõi và nắm được những dấu hiệu UTV sẽ giúp nhiều người có thêm kiến thức để phòng và phát hiện sớm bệnh tình.
Nguyên nhân gây bệnh UTV
Hiện nay chưa có thông tin nào xác định chính xác nguyên nhân chính của bệnh ung thư này là gì. Tuy nhiên, có một số yếu tố thúc đẩy sự hình thành và phát triển của khối u ác tính ở bầu vú. Đó chính là những yếu tố như:
- Do tuổi tác, phụ nữ tuổi càng lớn nguy cơ mắc bệnh càng cao.
- Từng có bệnh u lành tính hoặc ác tính.
- Phụ nữ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc ú vú ác tính cao hơn.
- Thường xuyên sử dụng đồ uống kích thích (rượu, bia), thuốc lá,..
- Điều kiện ăn uống, sinh hoạt, vận động không hợp lý.
- Phụ nữ hết kinh muộn hoặc trẻ em dậy thì sớm.
- Phụ nữ sinh đẻ muộn (sau 35 tuổi), không sinh con hoặc sinh con nhưng không nuôi con bằng sữa mẹ.
- Đột biến ở gen BRCA1/ BRCA2 (chiếm khoảng 10%).
- Người có sử dụng các phương pháp nội tiết tố.
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư này.
- Người đã từng hóa trị, xạ trị vùng ngực hoặc vùng vú.
- Người sống/ làm việc trong điều kiện môi trường ô nhiễm.
Các triệu chứng của bệnh ung thư vú
Bệnh UTV có thể nhận biết bởi một số triệu chứng điển hình mang đặc trưng riêng. Khi thấy các triệu chứng điển hình dưới đây, lời khuyên là bạn nên đi thăm khám càng sớm càng tốt:
- Bầu vú đỏ, sưng hoặc sạm màu, có vảy ở đầu vú.
- Sờ thấy có khôi u ở vú, dưới nách hoặc quanh khu vực vú.
- Có dịch từ đầu vú, đặc biệt là dịch kèm lẫn máu.
- Có hiện tượng dày da vú hoặc vết lõm trên vú.
- Tụt núm vú, da vú xuất hiện nốt sần da cam (sần như vỏ quả cam).
- Vú thay đổi kích thước, hình dạng bất thường.
Các giai đoạn của ung thư vú
U vú ác tính từ khi hình thành và phát triển sẽ trải qua các giai đoạn từ giai đoạn 0 tới giai đoạn 4. Tiến triển của khối u vú tại từng giai đoạn như sau:
Giai đoạn 0: Ở giai đoạn 0, các tế bào ung thư đã xuất hiện nhưng chưa lan ra các mô kế cận. Có thể gọi là ung thư tại chỗ (CIS), CIS có thể tiến triển thành ung thư trong tương lai nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Giai đoạn I – III: Ở giai I, tế bào ung thư bắt đầu hình thành, phát triển ở mô vú. Đến giai đoạn II, khối u lớn dần và bắt đầu xâm lấn sang khu vực xung quanh. Sang giai đoạn III, khối u bắt đầu lan rộng và xâm lấn sang các mô xung quanh.
Giai đoạn IV: Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn cuối. Khi này, các tế bào ác tính đã di căn tới những cơ quan khác trong cơ thể như: Xương, gan, phổi, thận,…
Phương pháp chẩn đoán ung thư vú
Để chẩn đoán bệnh UTV, các bác sĩ chuyên khoa sẽ áp dụng những phương pháp chẩn đoán bệnh như sau:
- Khám vú lâm sàng: Việc thăm khám để phát hiện các u, hạch ở quanh khu vực vú, nách.
- Siêu âm vú: Tùy vào từng tình trạng để bác sỹ lựa chọn phương pháp siêu âm thích hợp như: Siêu âm vú 3D, siêu âm vú đàn hồi và siêu âm quét thể tích vú.
- Chụp X-quang ngực (chụp nhũ ảnh): Phương pháp chiếu chụp này cho kết quả có độ chính xác cao. Chụp X-quang được ứng dụng trong theo dõi, tầm soát và chẩn đoán UTV.
- Chụp cộng hưởng từ.
- Xét nghiệm dịch tiết từ núm vú.
- Sinh thiết khối u để xác định UTV.
Phương pháp điều trị ung thư vú
Tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của ung thư vú, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp được áp dụng để điều trị u vú ác tính hiện nay gồm có:
Phẫu thuật ung thư vú
Phần lớn bệnh nhân bị u vú ác tính được chỉ định làm phẫu thuật loại bỏ khối u. Tùy vào tình trạng tiến triển của khối u mà có thể tiến hành phẫu thuật cắt vú bảo tồn, cắt toàn bộ vú hoặc cắt vú triệt để (bao gồm cả vú, hạch nách và một phần của cơ ngực).
Liệu pháp hóa trị để trị ung thư
Hóa trị là biện pháp sử dụng các hóa chất để đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc truyền hoặc tiêm. Thuốc sẽ đi vào máu, tìm kiếm và kìm hãm sự phát triển của khối u.
Xạ trị ung thư vú
Xạ trị (tia xạ) là biện pháp dùng tia năng lượng cường độ cao (tia xạ) để tiêu diệt, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Liệu pháp này sử dụng khi khối u đã hình thành rõ rệt và cần kiểm soát làm giảm sự phát triển của u ác tính.
Sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích để điều trị ung thư vú
So với hóa trị hay xạ trị thì liệu pháp nhắm trúng đích an toàn và ít gây thương tổn lên tế bào lành. Người bệnh sẽ được sử dụng thuốc có tác động trực tiếp tới khối u ở những vị trí cụ thể mà không làm tổn thương tới những tế bào lành khác.
Liệu pháp nội tiết tố cũng là cách điều trị ung thư
Liệu pháp nội tiết tố nhằm loại bỏ hoặc ức chế sự hoạt động của nội tiết tố trong cơ thể. Từ đó có tác dụng làm chậm lại hoặc kìm hãm sự phát triển của khối u vú ác tính.
Miễn dịch tự thân
Liệu pháp miễn dịch có nghĩa là thực hiện sự can thiệp vào hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại bệnh. Liệu pháp này thích hợp sử dụng với bệnh ở giai đoạn sớm, cơ thể bệnh nhân khỏe mạnh và hệ miễn dịch tốt.
Phòng ngừa ung thư vú ra sao?
Để phòng tránh khối u ác tính trên vú, bạn cần nắm được những cách phòng ngừa bệnh như sau:
- Duy trì dinh dưỡng thích hợp, ăn nhiều rau xanh và thức ăn giàu phytoestrogens.
- Thực hiện nếp sống và sinh hoạt, vận động lành mạnh
- Với những người nằm trong nhóm có nguy cơ bị ung thư này, cần thường xuyên tiến hành tầm soát định kỳ
- Thường xuyên kiểm tra, quan sát, tự khám vú tại nhà xem có khối u nào bất thường hay không.
- Cân nhắc khi lựa chọn những liệu pháp điều trị hormone ở giai đoạn mãn kinh
- Lưu ý khi sử dụng thuốc trầm cảm, thuốc lợi tiểu liên tục để điều trị bệnh bởi chúng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc UTV.
Thực phẩm tốt cho bệnh nhân ung thư vú
Người có khối u vú ác tính cần có một chế độ ăn uống thực phẩm lành mạnh và cân bằng. Bệnh nhân cần được ăn đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng và sau phẫu thuật cần ăn đầy đủ dưỡng chất đa dạng.
Ngoài ra, bệnh nhân cần được bổ sung thêm vitamin và khoáng chất: Vitamin A, C, K, chất chống oxy hóa,…. Bệnh nhân cần được sử dụng thực phẩm tươi, sạch, chế biến phù hợp với sở thích ăn uống của người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tránh sử dụng nhiều dầu mỡ, rượu bia, chất kích thích,…
Có thể bạn quan tâm:
- Ung thư xương – Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị
- Ung thư da – bệnh lý xuất hiện nguyên nhân là do đâu?
Một số câu hỏi về ung thư vú
Có nhiều thắc mắc được nhiều người quan tâm đặt ra trong quá trình tìm hiểu về UTV. Trong đó một số câu hỏi dưới đây được đặc biệt quan tâm:
Nam giới và trẻ em có bị ung thư này không?
Thực tế cho thấy, nam giới cũng có nguy cơ bị u vú ác tính nhưng tỷ lệ rất thấp. Trẻ em dưới 18 tuổi cũng ghi nhận rất ít trường hợp. Vì vậy, hai đối tượng này phần lớn chỉ cần tiến hành khám lâm sàng và không cần phải tầm soát.
Ung thư này chỉ xảy ra ở phụ nữ 50 tuổi trở lên?
Bệnh ung thư vú có tỷ lệ mắc cao ở độ tuổi trung niên từ 50 tuổi trở lên. Tỷ lệ mắc ở độ tuổi này chiếm 23-27%. Trong khi đó, ở độ tuổi dưới 50, tỷ lệ mắc UTV thấp hơn nhưng không có nghĩa là không có. Kết quả thống kê có thấy, độ tuổi dưới 40 có tỷ lệ mắc UTV là khoảng 4%.
Kết luận
Ung thư vú là bệnh lý ác tính thường gặp ở nữ giới, bệnh chiếm tỷ lệ tử vong cao trong danh sách những căn bệnh ung thư trên toàn cầu hiện nay. Để phòng tránh UTV, bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh, sinh hoạt và ăn uống hợp lý. Thường xuyên tiến hành tự kiểm tra vú tại nhà và thăm khám kịp thời nếu có triệu chứng bất thường.