Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh hiện nay chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 25% trong vòng 12 tháng sau sinh. Đây là chứng bệnh rất phổ biến và nguy hiểm, người bệnh có thể bị trầm cảm nhẹ, vừa hoặc nặng, thoáng qua hoặc kéo dài, dẫn đến những hành động tiêu cực cho bản thân.
1. Bệnh trầm cảm sau sinh là gì?
Về cơ bản, bệnh trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc thậm chí sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh trầm cảm có chữa được không? Những điều bạn nên biết
- Bị trầm cảm có nên đi làm không? Nên làm công việc gì?
- Hậu quả của bệnh trầm cảm nặng nề, nguy hiểm như thế nào?
Theo các chuyên gia tâm lý thì sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ thường có những sự thay đổi đột ngột về nội tiết nên dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Ngoài ra, thể tích máu, hệ miễn dịch, huyết áp và chuyển hóa lúc này cũng biến đổi nên dẫn đến những bất ổn về cảm xúc. Các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh thường không được gia đình chú ý, chỉ đến khi xảy ra nhiều hậu quả đau lòng thì người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của căn bệnh này.
Bệnh lý trầm cảm sau sinh con sẽ càng trở nên trầm trọng nếu thời điểm sau sinh, người mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé mà gia đình lại có mâu thuẫn không thể gỡ bỏ hoặc khó khăn về tài chính… Đặc biệt, nếu trong gia đình có người từng bị trầm cảm thì người phụ nữ sau khi sinh cũng có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn.
2. Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và cuộc sống?
Hiện nay vẫn có nhiều người xem nhẹ chứng trầm cảm sau sinh con, chỉ đến khi bản thân thật sự trải qua thì mới hiểu căn bệnh này có sức ảnh hưởng ghê gớm đến sức khỏe và cuộc sống.
Đối với bản thân người mẹ, trầm cảm sau sinh con có thể khiến mẹ bị suy dinh dưỡng, sụt cân, suy nhược thần kinh, có những suy nghĩ hoang tưởng và dễ dẫn đến hành vi nguy hiểm, tự gây hại cho bản thân.
Khi đã bị trầm cảm sau sinh con thì người mẹ sẽ không có đủ tâm trí để chăm sóc cho gia đình và đứa con sơ sinh được tốt, gia đình vì thế sẽ không được vui vẻ. Đặc biệt, khi trầm cảm nặng thì người mẹ thường hay có suy nghĩ tự tử, một số người bị rối loạn tâm thần và luôn có cảm giác bị hại nên luôn tìm cách để trả thù hay đối phó với mọi người muốn đến gần mình. Thậm chí, có những bà mẹ còn nghĩ con mình bị ma quỷ nhập nên tìm cách trừ tà, hại đến tính mạng của bé. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh con.
3. Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh
Một số nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới bệnh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ chính là:
- Do những thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ sẽ có sự giảm đột ngột estrogen và progestrogen, ngoài ra, hormones tuyến giáp cũng giảm nhanh chóng nên gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm;
- Do có sự thay đổi về thể tích máu, hệ miễn dịch, huyết áp và sự chuyển hóa trong cơ thể;
- Do mâu thuẫn gia đình, các vấn đề tài chính hoặc không có sự giúp đỡ của người thân;
- Do gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc em bé, từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và không kiểm soát được cuộc sống bản thân;
- Do di truyền.
4. Dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh
Bệnh trầm cảm sau sinh thường không được phát hiện cho đến khi người bệnh có những hành động dại dột, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Do đó, nhận biết các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh con chính là cách để bảo vệ bản thân khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh trầm cảm.
Một số biểu hiện trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Suy nhược cơ thể:
Thực tế, có rất nhiều bà mẹ sau khi sinh con xong liền rơi vào trạng thái vô vọng, đau khổ và thậm chí là khóc lóc cả ngày mà không có bất kỳ một lý do nào cả. Đôi khi, bản thân họ cảm thấy mình không được quan tâm, bị mọi người bỏ rơi, cảm giác này kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi triền miên và suy nhược cơ thể. Đây chính là dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh.
- Lo lắng, đau cơ thể không rõ nguyên nhân:
Sau sinh, bà mẹ thường có nhiều mối lo về bản thân, gia đình và con cái, nhiều người cảm thấy đau dữ dội ở cổ và đầu, lưng, ngực nhưng khi khám thì không tìm ra nguyên nhân.
- Hoảng hốt:
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh con thường cảm thấy hoảng hốt với những điều có thể xảy ra hàng ngày, sau khi hoảng hốt thì rất khó để họ bình tĩnh lại. Cách tốt nhất trong trường hợp này chính là tránh để những tình huống đó xảy ra lặp lại nhiều lần.
- Căng thẳng:
Dấu hiệu căng thẳng thường xuyên sẽ làm cho chứng trầm cảm trở nên nặng nề hơn. Loại căng thẳng này là dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh và không thể điều trị bằng thuốc an thần, tuy nhiên, nếu chuyển sang một số dạng thuốc khác ít tính phụ thuộc hơn thì sẽ tốt.
- Cảm giác bị ám ảnh:
Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh con thường hay bị ám ảnh về một việc, một người hay một hành động cụ thể nào đó. Những nỗi ám ảnh có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi mà không có nguyên do. Trường hợp này, mẹ nên nói chuyện với gia đình và bác sĩ để tránh có những hành động không tốt đến con mình.
- Mất tập trung:
Mất tập trung cũng chính là biểu hiện trầm cảm sau sinh dễ bị bỏ qua, lúc này, người bệnh sẽ thường khó tập trung để làm một việc gì đó và cảm thấy trí nhớ sao kém quá, và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Dần dần họ cảm thấy bản thân rất tồi tệ.
- Rối loạn giấc ngủ:
Thường người bệnh bị trầm cảm thường rất khó đi vào giấc ngủ và thường hay bị thức giấc vào giữa đêm hoặc thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được nữa. Trong trường hợp này, ngoài việc tích cực điều trị thì tốt nhất là nên có người giúp mẹ cho bé bú vào buổi tối.
- Tình dục:
Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh thường sẽ bị mất hứng thú tình dục trong thời gian dài và thường sẽ khỏi nếu mẹ bị hết trầm cảm.
Ngoài ra, một vài dấu hiệu tâm lý thường gặp ở những người bị trầm cảm sau sinh con dễ nhận thấy như:
- Thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân;
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều;
- Tâm trạng buồn bã;
- Cảm thấy vô dụng hay tội lỗi;
- Khó tập trung hoặc không quyết đoán;
- Giảm hứng thú hoạt động;
- Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm;
- Mệt mỏi, thiếu sinh lực;
- Thường nghĩ đến cái chết và tự tử.
5. Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh bằng cách nào?
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng ruột kích thích – Một số biểu hiện cụ thể
- Bệnh tiểu đường – Phương pháp điều trị với kết quả tuyệt đối
Bệnh trầm cảm sau sinh nếu ở giai đoạn tạm thời thì sự giúp đỡ của gia đình chính là cách để người mẹ nhanh chóng phục hồi. Ngoài ra, cũng nên chắc chắn là bà mẹ bị trầm cảm sau sinh được bác sĩ điều trị, tuy nhiên, nếu đơn thuốc không phù hợp thì cần phải thay đổi đơn thuốc để nâng cao hiệu quả điều trị.
Hãy có cách ứng xử bình thường với những người bị trầm cảm sau sinh, đừng coi họ như người bị bệnh và hãy giúp họ trông con để họ được nghỉ ngơi thật nhiều và làm những điều mà bản thân cảm thấy thích.
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị trầm cảm sau sinh thì điều quan trọng không kém chính là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể điều trị bằng cách tìm đến các chuyên gia tâm lý để có được những buổi nói chuyện thoải mái và bày tỏ nỗi lòng.
Để có được kết quả điều trị tốt nhất thì bản thân người bị trầm cảm sau sinh cần phải tin tưởng mình sẽ tốt hơn, kiên nhẫn và tin tưởng vào phương pháp điều trị của bác sĩ. Hãy thư giãn và quên đi đau đớn, đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều gây khó chịu thì căn bệnh trầm cảm sẽ nhanh khỏi.
Tổng hợp: suckhoechoban.net