Sùi mào gà giai đoạn đầu khá khó phát hiện hoặc có các triệu chứng gần giống như các bệnh thông thường như sẩn hạt ngọc, dị ứng nên trong nhiều trường hợp gây lúng túng cho người bệnh. Vậy nên ở bài viết này sẽ thông tin đến bạn cách nhận biết bệnh cho đúng cũng như một số cách chữa trị, phòng ngừa bệnh sùi mào gà.
Tổng quan về bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà là một bệnh lý truyền nhiễm lây qua đường tình dục, mức độ phổ biến cao. Bệnh do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra, HPV bao gồm khoảng 200 chủng khác nhau, trong đó những chủng gây sùi mào gà thường gặp ở người là:
- HPV type 16 và HPV type 18, đây cũng là chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư họng miệng…
- HPV type 6 và HPV type 11 là nhóm tương đối lành tính tuy nhiên có thể gây sùi mào gà khổng lồ hiếm gặp và tỷ lệ thấp gây ung thư biểu mô tế bào vảy dạng nhú.
Khi nhiễm các loại HPV trên, có khả năng bạn sẽ mắc sùi mào gà và rất khó để chữa trị. Sùi mào gà có khả năng lây lan rất cao vì virus HPV có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 2 đến 9 tháng, trung bình là 3 tháng.
Trong thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể không có triệu chứng gì hoặc trong sùi mào gà giai đoạn đầu, người bệnh chỉ có vài mụn cơm li ti dễ nhầm với bệnh khác hoặc mụn cơm ở vị trí kín đáo khó phát hiện khiến người bệnh không biết mình nhiễm HPV, do đó vô tình làm lây lan bệnh dù chỉ ở giai đoạn đầu sùi mào gà.
Virus HPV tồn tại trong máu, nước bọt, dịch cơ thể của người bệnh. Ngoài đường quan hệ tình dục, HPV còn có thể lây truyền từ mẹ nhiễm bệnh sang thai nhi, đường vết thương hở, ăn uống chung hay dùng chung đồ đạc với người nhiễm HPV chưa triệu chứng hay ở giai đoạn đầu sùi mào gà. Do đó nên tránh sinh hoạt chung và ăn cùng người bệnh dù tỷ lệ lây nhiễm là khá thấp.
Sùi mào gà giai đoạn đầu biểu hiện thế nào?
Sùi mào gà thường được phân thành 5 giai đoạn: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn phát triển, giai đoạn có biến chứng, giai đoạn tái phát. Sùi mào gà giai đoạn đầu là giai đoạn khởi phát của nhiễm HPV, người bệnh bắt đầu có các triệu chứng nổi bật của bệnh:
- Xuất hiện các nốt sùi nhỏ hay mụn cơm, có đầu nhân nhọn, mềm và có nhiều màu như: đỏ, hồng hoặc nâu, có đường kính khoảng 1 – 2 mm mọc riêng lẻ hoặc thành cụm, hơi nhô cao như những nhú gai.
- Nốt sùi mào gà mềm, dễ vỡ, dễ chảy máu khi cọ xát.
- Các nốt sùi thường xảy ra tại bộ phận sinh dục ở cả nam và nữ giới. Ngoài ra nốt sùi có thể mọc trên khắp cơ thể như hậu môn, miệng, mắt, lưỡi, họng, tay chân,…
- Ở nữ giới: nốt sùi có thể xuất hiện bên trong âm đạo hoặc ở mép, ở hậu môn, niệu đạo, một số trường hợp ghi nhận có nốt sùi ở cổ tử cung.
- Ở nam giới: nốt sùi thường xuất hiện ở dương vật, bao quy đầu, bìu, niệu đạo, hậu môn.
- Ngứa: Sùi mào gà giai đoạn đầu có ngứa không? Giai đoạn đầu của sùi mào gà tuy không đau rát nhưng có thể gây ngứa.
- Tiểu khó, tiểu đau rát: do các nốt sùi mọc trong niệu đạo hoặc quy đầu chèn ép đường ra của nước tiểu.
- Đi cầu ra máu có thể gặp trong trường hợp có sùi mào gà hậu môn.
- Khó chịu khi quan hệ tình dục và sinh hoạt hằng ngày.
Nếu giai đoạn đầu bệnh sùi mào gà không được điều trị sớm sẽ phát triển nhanh chóng. Các nốt sùi phát triển thành các cục to, liên kết với nhau thành từng mảng, từng cụm nhìn giống như hoa mào gà hoặc súp lơ màu trắng hồng. Bề mặt mảng sùi mềm, ẩm ướt, nhấn vào có thể chảy ra mủ.
Hậu quả của bệnh sùi mào gà: Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất và đặc biệt là sức khoẻ tinh thần người bệnh, người bệnh dễ bị mặc cảm tự ti, né tránh quan hệ tình dục và không dám đi khám bệnh. Từ đó để bệnh diễn tiến nặng và gây ra nhiều biến chứng khó điều trị như: vô sinh hiếm muộn, sảy thai, ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật,…
Điều trị sùi mào gà giai đoạn đầu
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus HPV, do đó không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh sùi mào gà, người nhiễm HPV sẽ phải chung sống suốt đời với virus ở tình trạng có hoặc không biểu hiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên nhân không nên tự điều trị bệnh tại nhà và tránh để lâu vì bệnh sẽ tiến triển nặng và khó chữa trị hơn.
Do đó điều trị sùi mào gà giai đoạn đầu chủ yếu là điều trị và làm thuyên giảm triệu chứng bệnh như loại bỏ các nốt sùi; nâng cao thể trạng, sức đề kháng để chống chọi virus và điều trị các đợt bội nhiễm vi trùng. Một số phương pháp truyền thống như dùng thuốc bôi, đốt điện, đốt laser… được chỉ định bởi bác sĩ để loại bỏ nốt sùi. Tuy nhiên cần chú ý là nốt sùi không biến mất hoàn toàn mà có thể tái phát.
Người bệnh cũng cần đảm bảo vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa sạch bộ phận sinh dục hay nơi có nốt sùi, mặc quần áo thoáng mát tránh bí bách, tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi. Không nên gãi ngứa để tránh làm chảy máu nốt sùi. Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám thường xuyên cũng là việc hết sức quan trọng.
Ngoài ra ta có thể phòng ngừa một số chủng HPV phổ biến bằng cách tiêm ngừa vắc xin HPV, vắc xin có thể tiêm cho cả nam và nữ để phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, sùi mào gà,…
Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Biểu hiện và cách điều trị sùi mào gà giai đoạn đầu”. Mong rằng bài viết đã cung cấp những thông tin thiết thực và hữu ích đến bạn. Nếu có các dấu hiệu kể trên, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ da liễu uy tín để được chẩn đoán và chữa trị ngay từ sớm bạn nhé.