Mặc dù bệnh sùi mào gà ở nữ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng lại tác động tiêu cực đến tâm lý người phụ nữ. Do đó, ngay khi phát hiện bệnh sùi mào gà giai đoạn đầu cần kịp thời đi khám và điều trị.
1. Bệnh sùi mào gà ở nữ là bệnh gì?
Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh sùi mào gà ở nữ giới trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là tương đối cao, đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus). Hiện có hơn 100 type virus HPV đã được xác định, trong đó 30 – 40 type gây ra bệnh ở vùng hậu môn – sinh dục.
Các type virus HPV cũng được chia ra làm hai nhóm, đó là:
- Nhóm HPV sinh ung (hay còn gọi là nhóm nguy cơ cao): có 15 – 20 type, trong đó, 2 type HPV 16 và 18 gây ra bệnh ung thư cổ tử cung.
- Nhóm HPV không sinh ung (hay còn gọi là nhóm nguy cơ thấp): 2 type HPV 6 và 11 thường gặp nhất gây ra bệnh sùi mào gà.
2. Triệu chứng bệnh sùi mào gà ở nữ
Do diễn tiến âm thầm, không gây đau và cũng không gây ngứa nên rất khó phát hiện bệnh sùi mào gà ở nữ giai đoạn đầu. Bệnh sùi mào gà chỉ có thể phát hiện khi xuất hiện các nốt sẩn màu hồng đỏ, mềm, có cuống, bề mặt sần tại một số bộ phận của cơ quan sinh dục nữ như âm đạo, âm hộ, cổ tử cung, xung quanh lỗ tiểu, háng, bẹn, đùi, hậu môn. Ngoài ra, virus HPV cũng có thể lây truyền thông qua quan hệ tình dục đường miệng, nên mụn cóc còn xuất hiện ở trên môi, bên trong miệng và họng.
3. Con đường lây truyền bệnh sùi mào gà ở nữ
Phụ nữ có khả năng mắc bệnh sùi mào gà do nhiễm virus HPV thông qua các đường sau:
- Quan hệ tình dục đường âm đạo, đường miệng hoặc hậu môn
- Sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người mang mầm bệnh
- Do người mẹ mắc bệnh lây truyền qua con khi mang thai hoặc sinh nở
Ngoài ra, những yếu tố sau được xem là nguy cơ làm tăng khả năng nhiễm bệnh sùi mào gà ở nữ:
- Phụ nữ dưới 30 tuổi.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục kém, thường xuyên ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi để virus phát triển.
4. Biến chứng bệnh sùi mào gà ở nữ
- Mặc dù type virus HPV gây bệnh sùi mào gà không gây ung thư cổ tử cung, tuy nhiên, một số trường hợp, người bệnh vẫn có thể mắc nhiều type virus HPV, trong đó có type gây ung thư.
- Phụ nữ mắc bệnh sùi mào gà sinh dục khi đang mang thai có thể bị sẩy thai và gặp khó khăn khi sinh nở. Bên cạnh đó, còn có thể lây truyền bệnh cho con. Trẻ sinh ra có thể bị nhiễm virus HPV từ mẹ và phát triển thành bướu có gai ở bộ phận hô hấp, nếu là bé gái có thể bị sùi mào gà ở bộ phận sinh dục.
5. Điều trị bệnh sùi mào gà ở nữ
Hiện nay, bệnh sùi mào gà vẫn chưa có thuốc điều trị triệt để. Các phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà chủ yếu là làm thuyên giảm các triệu chứng. Một số phương pháp sau có thể được thực hiện để loại bỏ mụn cóc sinh dục:
- Liệu pháp làm lạnh: Sử dụng nitơ lỏng để làm đóng băng các mụn cóc. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra tác dụng phụ là người bệnh cảm thấy nóng rát, đau, khu vực điều trị bị phồng rộp.
- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ khu vực bị sùi mào gà. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện gây tê cục bộ vùng bệnh.
- Laser: Sử dụng tia laser để đốt cháy các mụn cóc sinh dục. Phương pháp này có thể gây đau nhức ở khu vực sau khi điều trị.
Để phòng bệnh sùi mào gà một cách hiệu quả và an toàn, tiêm phòng là một phương pháp được ưu tiên hàng đầu hiện nay.
6. Phòng ngừa bệnh sùi mào gà ở nữ
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus HPV gây bệnh sùi mào gà.
- Khám sức khỏe định kỳ hàng năm, bao gồm khám phụ khoa hoặc da liễu để kịp thời phát hiện, chẩn đoán bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
- Giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là cơ quan sinh dục sạch sẽ. Tránh sử dụng chung đồ dùng vệ sinh cá nhân với người khác.
- Có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá.
- Trẻ em gái từ 11 – 12 tuổi và phụ nữ từ 13 – 26 tuổi cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin HPV để phòng bệnh sùi mào gà và ung thư cổ tử cung.
Để phòng bệnh sùi mào gà một cách hiệu quả và an toàn, tiêm phòng là một phương pháp được ưu tiên hàng đầu hiện nay.