Siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán bệnh phổ biến hiện nay và có ý nghĩa trong việc tầm soát, phát hiện, chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có ung thư. Vậy siêu âm có phát hiện ung thư dạ dày được không?
1. Siêu âm là gì?
Siêu âm là phương pháp cận lâm sàng được sử dụng rộng rãi trong y học. Siêu âm ứng dụng đặc điểm của sóng siêu âm – sóng âm có tần số cao để khảo sát các cơ quan ở hệ tiêu hóa, tim mạch, sản phụ khoa, tuyến vú, tuyến giáp,… thông qua hình ảnh tái tạo về cấu trúc bên trong cơ thể, từ đó giúp bác sĩ phát hiện nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau.
Có thể bạn quan tâm:
- Người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối nên ăn gì hợp lý?
- Top 10 Cách chữa đau dạ dày cấp tốc tại nhà hiệu quả
- Co thắt dạ dày – Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả
Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ sử dụng một đầu dò siêu âm có tính năng vừa phát sóng siêu âm vừa thu nhận tín hiệu. Sau khi bôi chất gel lên vùng da ở bên ngoài cơ quan cần khảo sát (chất gel này giúp tăng chất lượng hình ảnh trong siêu âm), bác sĩ sẽ đưa đầu dò siêu âm tì sát vào da bệnh nhân và quét đầu dò để khảo sát các cơ quan bên trong. Hình ảnh thu nhận từ đầu dò siêu âm sẽ được phát trực tiếp lên màn hình giúp bác sĩ phát hiện các tình trạng bệnh lý bất thường.
Hiện nay có nhiều kỹ thuật siêu âm và ứng dụng của nó đã được triển khai giúp tăng hiệu quả chẩn đoán:
- Siêu âm 2D (siêu âm 2 chiều): Phương pháp siêu âm phổ biến nhất hiện nay.
- Siêu âm 3D (siêu âm 3 chiều), siêu âm 4D (siêu âm 3 chiều theo thời gian thực): Được triển khai ngày càng nhiều, thường ứng dụng nhiều trong siêu âm thai.
- Siêu âm Doppler: Nhằm khảo sát tim, mạch máu.
- Siêu âm đàn hồi: Đánh giá độ xơ, cứng của gan, tuyến giáp, tuyến vú…
- Siêu âm qua đầu dò âm đạo: Giúp khảo sát chính xác hơn đối với các bệnh lý sản phụ khoa.
- Siêu âm nội soi: Là phương pháp hiện đại kết hợp của 2 kỹ thuật nội soi và siêu âm. Siêu âm nội soi sử dụng máy nội soi có gắn đầu dò siêu âm, giúp chẩn đoán và can thiệp các tổn thương tại ống tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), gan, mật, tụy hay các tổn thương ngoài đường tiêu hóa, với mức độ xâm lấn tối thiểu. Kỹ thuật này đặc biệt có ý nghĩa trong việc phát hiện sớm và chẩn đoán giai đoạn ung thư ống tiêu hóa như dạ dày, hay các khối u nằm sâu trong ổ bụng.
- Sinh thiết các tổn thương nghi ngờ dưới hướng dẫn của siêu âm: Bên cạnh việc chẩn đoán, siêu âm còn hỗ trợ các kỹ thuật khác như chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) hay sinh thiết tổn thương chưa rõ bản chất dưới hướng dẫn của siêu âm, chọc dò dịch màng phổi dưới hướng dẫn của siêu âm,…
Với sự phát triển của y học hiện đại ngày càng có nhiều thiết bị, kỹ thuật mới được ứng dụng, siêu âm vẫn chứng tỏ được vai trò của mình với nhiều ưu điểm: Đơn giản, nhanh chóng, dễ thực hiện, không gây đau, không xâm nhập, ít độc hại và giá cả hợp lý.
2. Siêu âm có phát hiện ung thư dạ dày không?
Ung thư dạ dày khá phổ biến trên thế giới với tỷ lệ mắc khác nhau ở từng khu vực, trong đó Nhật Bản, Trung Quốc là những quốc gia có tỷ lệ mắc cao nhất thế giới. Ở Mỹ mỗi năm ghi nhận khoảng 26.240 ca mắc mới và số bệnh nhân tử vong vì ung thư dạ dày lên đến 10.800 ca mỗi năm. Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày tăng lên theo độ tuổi với hơn 75% bệnh nhân ung thư dạ dày từ 50 tuổi trở lên.
Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày có ý nghĩa hết sức to lớn để có thể điều trị kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tái phát, di căn xa cũng như giảm tỷ lệ tử vong.
Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là liệu siêu âm bụng có phát hiện ung thư dạ dày hay không? Cần phải khẳng định siêu âm không phải là xét nghiệm có thể chẩn đoán xác định ung thư dạ dày, việc phát hiện sớm ung thư dạ dày nhờ siêu âm dường như cũng khó khăn hơn bởi dạ dày là tạng rỗng nên siêu âm khó phát hiện tổn thương nhỏ, mới hình thành. Tuy nhiên, siêu âm vẫn có những giá trị nhất định đối với ung thư dạ dày:
- Siêu âm qua thành bụng có thể giúp phát hiện các tổn thương ở dạ dày, nhất là khi khối u quá lớn với những đặc điểm gợi ý bệnh lý ác tính. Việc phát hiện tổn thương nghi ngờ qua siêu âm là lý do để bác sĩ chỉ định thêm các xét nghiệm cần thiết khác như nội soi, sinh thiết để khẳng định chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày.
- Siêu âm cũng giúp đánh giá có hay không hạch vùng nghi ngờ thứ phát, hay phát hiện tổn thương di căn xa đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán hoặc nghi ngờ mắc ung thư dạ dày.
- Siêu âm còn giúp chẩn đoán nhanh các biến chứng của ung thư dạ dày như tắc ruột, bán tắc ruột,….
- Siêu âm nội soi: Nếu như siêu âm không thể hiện nhiều giá trị trong việc phát hiện ung thư dạ dày thì siêu âm nội soi lại có ý nghĩa to lớn trong việc đánh giá ung thư dạ dày tại chỗ, tại vùng, nhất là khi khối u ở giai đoạn sớm. Nội soi siêu âm tỏ ra ưu thế hơn các phương pháp khác khi mà hình ảnh siêu âm ung thư dạ dày cho phép xác định một cách chính xác mức độ xâm lấn của u dạ dày nguyên phát qua các lớp của thành dạ dày, mức độ xâm lấn đến các tổ chức xung quanh, cũng như đánh giá tình trạng di căn hạch lân cận.
Có thể bạn quan tâm:
- Ung thư phổi và tổng hợp những thông tin bạn cần biết
- Ung thư tuyến giáp nguy hiểm như thế nào? Cách điều trị
Tóm lại, siêu âm là một xét nghiệm góp phần chẩn đoán và theo dõi bệnh ung thư dạ dày. Tuy nhiên, siêu âm không đưa ra được kết quả chính xác rằng bệnh nhân có mắc ung thư dạ dày hay không và giá trị của siêu âm trong việc phát hiện sớm ung thư dạ dày dường như là rất thấp, hình ảnh siêu âm ung thư dạ dày chỉ thể hiện rõ đối với khối u dạ dày kích thước lớn hay phì đại hạch ổ bụng.
Siêu âm không giúp phát hiện sớm ung thư dạ dày nhưng nó được xem là phương pháp cận lâm sàng làm tiền đề để bác sĩ có cơ sở thực hiện các phương pháp, kỹ thuật khác giúp phát hiện chính xác ung thư. Nội soi dạ dày và sinh thiết tổn thương nghi ngờ để làm giải phẫu bệnh được coi là tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, nội soi dạ dày kết hợp siêu âm là một kỹ thuật mới ngày càng có giá trị trong việc đánh giá tổn thương tại chỗ, tại vùng của ung thư dạ dày.
Tổng hợp: suckhoechoban.net