Ăn uống là niềm hạnh phúc và là một trong những cách tận hưởng cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, rối loạn tiêu hóa lại là vấn đề thường gặp, đặc biệt ở những người ăn uống không đúng giờ hoặc có thói quen ăn uống qua loa, bỏ bữa. Và câu hỏi phổ biến trong nhóm bệnh lý liên quan đến rối loạn tiêu hóa có thể nhắc đến là hội chứng ruột kích thích là gì? Cùng Suckhoechoban tìm hiểu ngay nhé!
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS) là một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Đây là một chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, táo bón và chuột rút. IBS là một tình trạng mãn tính mà bạn sẽ cần phải kiểm soát lâu dài.
Phân loại hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích thường được phân loại dựa trên vấn đề chuyển động ruột (nhu động ruột) mà người bệnh gặp phải. Việc phân loại này cũng có thể ảnh hưởng đến việc điều trị và toa thuốc mà bác sĩ kê cho bạn. Ba loại IBS là:
- IBS kèm theo táo bón (IBS-C): Hầu hết phân của bạn đều cứng và vón cục
- IBS kèm theo tiêu chảy (IBS-D): Hầu hết phân của bạn đều lỏng và có nước
- IBS hỗn hợp (IBS-M): Gặp phải cả 2 trường hợp trên
Ai có nguy cơ cao mắc hội chứng ruột kích thích?
Bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu bạn:
- Là người trẻ trong độ tuổi từ thanh thiếu niên đến đầu 40 tuổi
- Là nữ
- Có tiền sử gia đình mắc hội chứng ruột kích thích
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng
- Gặp nhiều căng thẳng, lo lắng, trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác
- Không dung nạp thực phẩm
- Có tiền sử bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục
Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích
Nguyên nhân gây ra hội chứng chưa được xác định chính xác nhưng phần lớn được cho là đến từ thực phẩm, thuốc và những căng thẳng. Các yếu tố khác có thể đến từ các vấn đề:
- Co thắt cơ trong ruột: Thành ruột được “lót” bằng các lớp cơ co lại khi vận chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa. Các cơn co thắt mạnh hơn và kéo dài hơn bình thường có thể gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy. Ngược lại, cơn co thắt ruột yếu có thể làm chậm quá trình di chuyển thức ăn và dẫn đến phân khô, cứng.
- Hệ thần kinh: Sự bất thường của các dây thần kinh trong hệ tiêu hóa có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn bình thường khi bụng căng ra vì đầy hơi hoặc phân. Sự phối hợp kém giữa não và ruột có thể khiến cơ thể phản ứng quá mức với những thay đổi thường xảy ra trong quá trình tiêu hóa, dẫn đến đau, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Nhiễm trùng nặng: Hội chứng ruột kích thích có thể xuất hiện sau một đợt tiêu chảy nghiêm trọng (viêm dạ dày ruột) do vi khuẩn hoặc virus gây ra. IBS cũng có thể liên quan đến sự dư thừa vi khuẩn trong ruột (vi khuẩn phát triển quá mức).
- Căng thẳng lúc nhỏ. Những người tiếp xúc với các sự kiện căng thẳng, đặc biệt là trong thời thơ ấu, có xu hướng có nhiều triệu chứng của bệnh hơn.
- Những thay đổi trong vi khuẩn đường ruột: Ví dụ như sự thay đổi của vi khuẩn, nấm và virus thường cư trú trong ruột và đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe.
Các triệu chứng thường thấy
Chỉ một số ít người mắc hội chứng ruột kích thích có các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng. Thêm vào đó, biểu hiện ở mỗi người là khác nhau nhưng nhìn chung đều thường xuất hiện trong một thời gian dài.
Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Đau bụng hoặc bị chuột rút, thường là nửa dưới bụng
- Thay đổi về nhu động ruột làm xuất hiện táo bón, tiêu chảy hoặc cả hai
- Thay đổi về tần suất đi tiêu cũng như tình trạng phân
- Đầy hơi, chướng bụng, có chất nhầy trong phân
Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích như thế nào?
Không có xét nghiệm nào đành riêng cho việc chẩn đoán xác định hội chứng ruột kích thích. Bác sĩ có thể sẽ bắt đầu với việc tìm hiểu về tiền sử bệnh của bạn, khám sức khỏe và chỉ định thực hiện các xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác. Sau khi các tình trạng khác đã được loại trừ, bác sĩ có thể sẽ sử dụng một trong các bộ tiêu chuẩn chẩn đoán IBS để đưa ra kết luận.
Một số xét nghiệm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra chẩn đoán bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm phân
- Nội soi đại tràng
- Nội soi dạ dày
- Chụp X-quang hoặc CT
- Các xét nghiệm không dung nạp lactose.
- Kiểm tra hơi thở
Cách điều trị hội chứng ruột kích thích
Một số người có thể kiểm soát các triệu chứng của họ bằng cách quản lý chế độ ăn uống, lối sống và căng thẳng. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể được điều trị bằng thuốc và tư vấn.
Chú ý chế độ ăn uống
- Tăng chất xơ trong chế độ ăn uống: ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và các loại hạt.
- Chia nhỏ bữa ăn, có thể ăn 4-5 bữa/ngày.
- Uống nhiều nước và tránh caffein.
- Hạn chế tiêu thụ phô mai và sữa. Bạn có thể cung cấp canxi từ các nguồn khác, chẳng hạn như bông cải xanh, rau bina, cá hồi hoặc thực phẩm bổ sung.
- Tránh thực phẩm gây khó chịu cho hệ tiêu hóa.
- Ghi lại các loại thực phẩm bạn ăn để tìm ra loại thực phẩm nào có thể gây IBS. Các tác nhân phổ biến là ớt đỏ, hành lá, rượu vang đỏ, lúa mì và sữa bò.
Thay đổi lối sống
- Tập thể dục thường xuyên
- Ngủ đủ giấc
- Không hút thuốc
- Thử các kỹ thuật thư giãn
Thuốc
Bác sĩ có thể sẽ cần kê đơn thuốc tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh để điều trị triệu chứng của hội chứng ruột kích thích cùng với các vấn đề phát sinh như lo âu, trầm cảm,…
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Điều đáng mừng là hội chứng ruột kích thích không gây ra những thay đổi trong mô ruột hoặc làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Dù vậy, khi bệnh trở nặng có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm:
- Giảm cân
- Tiêu chảy vào ban đêm
- Chảy máu trực tràng
- Thiếu máu do thiếu sắt
- Nôn mửa không biết nguyên nhân
- Khó nuốt
- Cơn đau dai dẳng không thuyên giảm dù đi ngoài ra hơi hoặc đi tiêu
Trên đây giải đáp rõ cho câu hỏi: “hội chứng ruột kích thích là gì?”. Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể xuất hiện và sau đó biến mất nhưng sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời của người bệnh. Hiện tại căn bệnh này vẫn chưa có cách điều trị triệt để nhưng một số biện pháp đơn giản có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, hạn chế tình trạng khó chịu. Thay đổi chế độ ăn uống và áp dụng các biện pháp thư giãn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng. Các bác sĩ sẽ căn cứ trên tình trạng của người bệnh để tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả nhất.