Hội chứng ruột kích thích là các rối loạn chức năng của đại tràng tái đi tái lại nhiều lần các triệu chứng co thắt, đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy hay táo bón. Khác với những tổn thương khác, hội chứng ruột kích thích không gây tổn thương mô ruột và làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nếu việc chẩn đoán và điều trị không kịp thời sẽ thì người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích là gì ?
Định nghĩa
Hội chứng ruột kích thích (IBS – Irritable bowel syndrome) là một loại rối loạn chức năng của đường tiêu hóa, cụ thể là trên ruột già (đại tràng), đặc trưng bởi các triệu chứng đau bụng và rối loạn nhu động ruột, thay đổi thói quen đại tiện mà không kèm theo bất kỳ một bất thường nào về giải phẫu hay tổn thương thực thể trên đường ruột. Vì vậy, hội chứng ruột kích thích còn có tên gọi khác là hội chứng đại tràng co thắt.
Có thể bạn quan tâm:
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn có tính chất mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ làm giảm chất lượng sống, ảnh hưởng tới tinh thần, công việc và sinh hoạt hằng ngày…
Hội chứng ruột kích thích (IBS) thường gặp ở tuổi thanh niên và trung niên, độ tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là từ 18-30 tuổi và sẽ giảm sau khi qua tuổi 50. Một số nghiên cứu thống kê cho thấy nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới tỷ lệ Những người ở thành thị mắc bệnh nhiều hơn ở nông thôn, người có trình độ học vấn cao, học sinh, cán bộ tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với công nhân.
Nguyên nhân
Hiện nay cơ chế bệnh sinh của hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên tình trạng này thường liên quan đến những yếu tố sau :
- Tâm sinh lý: Một số báo cáo cho thấy những người thường xuyên lo lắng, suy nghĩ, hay thường gặp những vấn đề về tâm thần kinh như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ… rất dễ mắc phải tình trạng rối loạn chức năng đường tiêu hoá hay hội chứng ruột kích thích. Nguyên nhân này có ảnh hưởng đến việc theo dõi và điều trị tình trạng này.
- Chế độ ăn: Hầu hết các rối loạn tiêu hoá hiện nay đều có liên quan đến chế độ ăn và hội chứng ruột kích thích cũng không nằm trong số đó. Chế độ ăn không hợp lý, ăn phải đồ ăn hỏng, các loại thực phẩm chứa các chất độc hại… là những yếu tố nguy cơ trực tiếp của hội chứng ruột kích thích.
- Các nguyên nhân khác: Tiền sử mắc các bệnh lý về đường ruột trước đó hay các yếu tố về mặt di truyền, thay đổi sinh lý đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt, sử dụng thuốc, các vấn đề về nội tiết… Các yếu tố này làm phát sinh những nhu động ruột bất thường, dẫn đến sự phản ứng hay mẫn cảm quá mức của đường ruột.
Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Lâm sàng
- Cảm giác đau bụng hoặc khó chịu ở bụng.
- Thường gặp tình trạng tiêu chảy hoặc xen kẽ với táo bón.
- Táo bón thể hiện đi cầu dưới 3 lần/tuần.
- Thay đổi thói quen đi đại tiện.
- Chướng bụng.
- Đi cầu cảm giác không hết phân.
Cận lâm sàng
- Các xét nghiệm công thức máu thường cho kết quả bình thường.
- Xét nghiệm phân tìm máu ẩn, ký sinh trùng trong phân.
- Siêu âm ổ bụng để tìm các khối u bất thường, các dấu hiệu xâm lấn.
- Chụp cắt lớp vi tính bụng (CT-scan bụng) hoặc cộng hưởng từ.
- Nội soi đại tràng để loại trừ các bệnh lý khác như Polyp, túi thừa, viêm hay ung thư đại tràng.
- Xét nghiệm sinh thiết, mô bệnh học đại tràng.
Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích được đánh giá là một tình trạng không gây nguy hiểm vì hầu như không đe doạ đến tính mạng. Tuy nhiên, hội chứng này rất khó điều trị dứt điểm và có thể tái đi tái lại nhiều lần, gây khó chịu cho người bệnh trong quá trình làm việc và sinh hoạt. Một số triệu chứng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân như :
- Đau bụng : Đau bụng được xem là triệu chứng rõ ràng nhất của hội chứng ruột kích thích. Cơ thể khởi phát những cơ đau bụng bất chợt mà không rõ nguyên nhân, một số trường hợp xảy ra sau khi sử dụng những đồ ăn để lâu hay đồ ăn không tương thích với cơ thể, hoặc ngay cả những thực phẩm thường ngày. Các cơn đau bụng thường xuất hiện ở bụng dưới hoặc hố chậu trái, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và giảm đau sau khi đại tiện hoặc trung tiện. Tần suất đau bụng tùy thuộc vào cơ địa của mỗi bệnh nhân.
- Tiêu chảy: Táo bón và tiêu chảy là hai triệu chứng thường diễn ra đơn độc hoặc xen kẽ trong hội chứng đường ruột kích thích. Tiêu chảy thường xảy ra từ 3 – 5 lần/ngày, phân có thể lỏng hoặc nát, một số trường hợp lẫn nhầy trong phân nhưng không bao giờ có máu theo phân. Các triệu chứng tiêu chảy có thể diễn biến nặng hơn khi người bệnh đang trong trạng thái căng thẳng hay sau khi ăn uống quá nhiều.
- Táo bón : Táo bón là tình trạng đại tiện phân rắn, lượng ít, có thể lẫn nhầy trong phân và thường xuất hiện xen kẽ với tiêu chảy.
- Các triệu chứng khác: Biểu hiện rối loạn đường tiêu hoá trên với các triệu chứng liên quan đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, đầy hơi, khó tiêu, tức ngực. Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, đi tiểu nhiều lần…
Các triệu chứng trong hội chứng ruột kích thích thường biểu hiện ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Tuy nhiên, bệnh nhân cần đến khám tại cơ sở y tế khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trên hay ngay khi phát hiện một số dấu hiệu báo động dưới đây vì có thể liên quan đến các bệnh lý đường tiêu hoá khác :
- Sụt cân ngoài ý muốn, chán ăn.
- Thiếu máu.
- Sốt cao đột ngột hoặc kéo dài, tăng bạch cầu, rối loạn chức năng đông máu.
- Đại tiện phân dính nhầy máu.
- Cổ trướng.
- Đại tiện ra phân hình dẹt và nhỏ thường xuyên.
- Các rối loạn tiểu tiện xuất hiện ở bệnh nhân > 50 tuổi.
- Tiền sử gia đình có người thân từng bị ung thư liên quan đến ống tiêu hoá.
Việc không đi khám kiểm tra hay điều trị không chính xác có thể khiến hội chứng ruột kích thích trở nên trầm trọng thêm. Các biến chứng nặng nề có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.
Có thể bạn quan tâm:
Cụ thể, đường ruột sẽ kém hấp thu chất dinh dưỡng, khiến cơ thể bệnh nhân trở nên thiếu chất, suy kiệt hay suy dinh dưỡng. Một số biến chứng có thể xảy ra trên tâm lý như luôn có cảm giác chán nản, lo lắng, suy nhược cơ thể trầm trọng.
Điều trị hội chứng ruột kích thích
Điều trị không dùng thuốc
- Các liệu pháp tâm lý, thư giãn giúp bệnh nhân tránh lo lắng thái quá.
- Luyện tập thể dục thường xuyên.
- Uống nhiều nước.
- Thực hiện ăn uống đúng giờ và đều đặn.
- Chế độ ăn.
- Tránh các thực phẩm gây đầy hơi như đồ uống có gas, rau củ ví dụ như bông cải xanh, bông cải trắng, bắp cải hay trái cây sống.
- Tránh ăn các thực phẩm có chứa Gluten như lúa mạch, lúa mì hoặc lúa mạch đen…
- Tránh các thực phẩm FODMAPs, là các nhóm thực phẩm chứa đường có thể lên men như fructan, lactose, fructose và một số loại đường khác.
Điều trị dùng thuốc
- Các thuốc điều trị táo bón
- Thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ như NATUFIB (chất xơ hòa tan Fructo-oligosaccharide – FOS)…
- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu như Lactulose, Sorbitol…
- Thuốc nhuận tràng kích thích như Bisacodyl…
- Một số loại khác như Prucalopride…
- Thuốc điều trị tiêu chảy như Loperamide và Cholestyramine
- Thuốc chống co thắt và kháng Acetylcholin như Hyoscine butylbromide, Dipropyline.
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin (SSRI)
- Kháng sinh : Rifaximin
Lời kết
Hội chứng ruột kích thích được đánh giá là một tình trạng không gây nguy hiểm, vì hầu như không đe doạ đến tính mạng. Tuy nhiên, khi phát hiện các triệu chứng đau bụng hay rối loạn đại tiện, bệnh nhân cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời nhằm phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra. Như vậy bạn đã có câu trả lời cho “hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không” rồi nhé.