Bệnh bạch tạng sống được bao lâu? Bệnh bạch tạng có nguy hiểm không? Bên cạnh nỗi lo lắng khi mắc phải căn bệnh hiếm gặp, người bệnh còn muốn biết tiên lượng sống của chính mình.
Nguyên nhân gây bệnh bạch tạng
Khi một khiếm khuyết xảy ra ở một trong số các gene sản xuất hoặc phân phối melanin sẽ gây bệnh bạch tạng. Sự thiếu hụt này dẫn đến cơ thể không sản xuất hoặc giảm sản xuất melanin. Các gene bị khiếm khuyết này truyền từ cha, mẹ sang con và dẫn đến di truyền bệnh bạch tạng qua các thế hệ.
Những thắc mắc liên quan đến bệnh bạch tạng
1. Người bệnh bạch tạng sống được bao lâu?
Hầu hết các loại bạch tạng phổ biến đều không ảnh hưởng đến tuổi thọ người bệnh. Tuy nhiên, các hội chứng hiếm gặp như Hermansky-Pudlak, Chediak-Higashi và Griscelli có ảnh hưởng đến tuổi thọ người bệnh nhưng là do các vấn đề sức khỏe liên quan gây ra. Vậy nên, bạn không nên quá lo lắng về việc bệnh bạch tạng sống được bao lâu. Hãy cứ lạc quan và thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp, bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh như mọi người.
Lưu ý là người bạch tạng phải hạn chế các hoạt động ngoài trời vì da và mắt rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Tia cực tím (UV) từ mặt trời có thể gây ung thư da và giảm thị lực ở một số người bệnh.
2. Bệnh bạch tạng là đột biến gì?
Các đột biến gene gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sắc tố melanin là nguyên nhân gây ra bệnh bạch tạng. Các tế bào melanocyte (tế bào biểu bì tạo hắc tố) chịu trách nhiệm biểu hiện màu sắc cho da, tóc và mắt. Ở người bệnh bạch tạng, các tế bào melanocyte có mặt nhưng đột biến gene sẽ gây cản trở quá trình sản xuất hắc sắc tố hoặc phân phối nó đến tế bào keratinocyte (tế bào sừng ở lớp biểu bì ngoài cùng của da). Hiện nay có 5 loại bạch tạng di truyền đã được biết đến, phổ biến nhất là loại bạch tạng OCA1 và OCA2 – đó là các dạng bạch tạng ảnh hưởng đến da và mắt.
3. Bệnh bạch tạng có lây không?
Bệnh bạch tạng có thể di truyền nhưng nó không lây lan qua tiếp xúc giữa người với người. Một người sinh ra với bệnh bạch tạng vì họ thừa hưởng gene gây bệnh từ cha hoặc mẹ.
Ở các dạng phổ biến nhất của bệnh bạch tạng, cả cha, mẹ đều phải mang gene bệnh và truyền cho đứa trẻ. Ngay cả khi cả hai người đều mang đột biến gene, nguy cơ trẻ sinh ra mắc bệnh bạch tạng là 1/4.
4. Bệnh bạch tạng có chữa được không?
Không có cách nào có thể chữa khỏi bệnh bạch tạng, nghĩa là sắc tố của da, tóc và mắt người bệnh không thể trở về như tự nhiên. Tuy nhiên, có các cách điều trị để giảm bớt triệu chứng và ngăn ngừa tác hại từ ánh nắng mặt trời, bao gồm:
- Sử dụng kính râm để bảo vệ mắt khỏi tia cực tím (UV)
- Mặc quần áo dài tay và dùng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV
- Sử dụng kính thuốc theo chỉ định của bác sĩ để khắc phục các vấn đề về thị lực
- Phẫu thuật cơ mắt để điều chỉnh cử động mắt bất thường (nếu có)
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết bệnh bạch tạng sống được bao lâu va hiểu rõ hơn về bệnh bạch tạng. Từ đó, bạn có thể thông cảm hơn cho những người không may mắn gặp phải đột biến này. Hãy nhớ rằng căn bệnh này không hề lây truyền, đừng tỏ ra xa lánh hay kì thị bất cứ ai bị bạch tạng.