Trang chủ Bệnh thường gặp Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm: Những lưu ý...

Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm: Những lưu ý quan trọng

Áp dụng cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm là bước quan trọng đầu tiên giúp phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng và tránh gây nguy hiểm tính mạng. Các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ, thậm chí 1-2 ngày sau khi sử dụng thực phẩm. 

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm (dân gian gọi là trúng thực) là bệnh do ăn phải thực phẩm nhiễm độc. Quá trình nhiễm độc chất của thức ăn có thể  xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào từ quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng thực phẩm. Thức ăn có thể nhiễm độc từ các nguồn khác nhau, bao gồm: Ô nhiễm nước, đất hoặc không khí, cũng như việc bảo quản và chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. 

Có thể bạn quan tâm:

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 600 triệu ca bệnh được ghi nhận (gần 1/10 người dân số thế giới) và 420.000 người tử vong vì ngộ độc thực phẩm. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, ngộ độc thực phẩm chiếm 40% các trường hợp nhập viện, với 125.000 ca tử vong hàng năm.

Bệnh do ăn phải thực phẩm nhiễm độc
Bệnh do ăn phải thực phẩm nhiễm độc

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây bệnh có trong thức ăn như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (hoặc độc tố của chúng). Theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), độc tố tự nhiên (28,4%), hóa chất (4,2%),… và các nguyên nhân khác. Trong đó, ngộ độc thực phẩm do hóa chất gây ra có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính hoặc các bệnh lý diễn tiến trong thời gian dài như ung thư.

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần sơ cấp cứu ngay

Tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày sau khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm. Những triệu chứng này thường không đặc hiệu, có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Đau bụng
  • Sốt

Ngộ độc Botulism (gây ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum Botulism) là một dạng ngộ độc thực phẩm có thể gây liệt, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời do độc tố Botulinum tấn công vào hệ thần kinh. Độc tố này thường được tìm thấy nhiều trong mật ong, thực phẩm không được bảo quản đúng cách (đóng hộp tại nhà) và thịt hun khói. Những biểu hiện gây ra bởi tình trạng ngộ độc này:

  • Triệu chứng điển hình nhất là khó vận động cả hai bên mặt, xuống cổ và sau đó đến các phần còn lại của cơ thể.
  • Các triệu chứng ở giai đoạn sớm có thể gặp bao gồm nhìn đôi hoặc nhìn mờ, sụp mí mắt, khó nuốt, nói đớt, khó thể.
  • Một số triệu chứng không đặc hiệu khác như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.

Thông thường, những bệnh phát sinh do thực phẩm thường tự khỏi trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, nếu thấy xuất hiện những biểu hiện bất thường như suy hô hấp, rối loạn ý thức, co giật, không thể gây nôn,… cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để thực hiện các bước xử lý cần thiết. 

Đặc biệt, khi thấy những triệu chứng diễn ra lâu ngày như rối loạn tiêu hóa kèo dài lâu hơn 2-3 ngày; đi ngoài ra máu; tiêu ra máu trong vòng 24 giờ; nghi ngờ ngộ độc botulism,… cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần sơ cấp cứu ngay
Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần sơ cấp cứu ngay

Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm tại nhà

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với bất cứ ai ngay sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Do đó, cần trang bị cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm để có thể nhanh chóng giúp đỡ bản thân hoặc ai đó khi không may gặp phải tình trạng này. Các cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm có thể bao gồm:

Gây nôn

Gây nôn thường được áp dụng đối với những người có biểu hiện muốn nôn ói ngay sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc hay người còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc. Lúc này, người bị ngộ độc thực phẩm cần nhanh chóng dùng mọi biện pháp để nôn hết những thức ăn đã ăn vào. Các cách thức có thể áp dụng như uống 1 ly nước muối pha loãng (0,9%) rồi dùng ngón trỏ móc, ngoáy (dân gian thường gọi là móc họng) vào vị trí góc cuống lưỡi gần họng nhằm kích thích cảm giác nôn ở người bệnh. Người bệnh nôn được càng nhiều càng tốt. Điều này giúp hạn chế chất độc có trong thực phẩm ngấm vào cơ thể, phát tán và gây hại.

Những lưu ý trong lúc gây nôn:

  • Nếu người bệnh nằm nôn, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê cao đầu để chất độc không bị trào ngược vào phổi, hạn chế nguy cơ tử vong do sặc hoặc ngạt thở. 
  • Đối với trẻ em, người hỗ trợ cần thực hành động tác gây nôn khéo léo tránh gây trầy xước cổ họng trẻ.
  • Đối với người đã rơi vào trạng thái hôn mê thì không nên kích nôn vì dễ gây sặc, ngạt thở. 

Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm tại nhà
Xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm tại nhà rất quan trọng

Có thể bạn quan tâm:

Cho người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều nước

Trường hợp người bị ngộ độc thực phẩm nôn và tiêu chảy nhiều lần có thể gây tình trạng mất nước. Lúc này cần cho người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước. 

  • Nếu trẻ bị nôn, hãy cho trẻ uống nước từng ngụm nhỏ để bù nước cho trẻ.
  • Nếu người bệnh có kèm theo tiêu chảy hoặc chỉ bị tiêu chảy, điều quan trọng nhất là cố gắng thay thế chất lỏng và lượng muối đã mất. Lúc này, có thể sử dụng dung dịch nước bù điện giải Oresol.

Uống Oresol

Nếu sử dụng dung dịch oresol để bù nước cho người bệnh, người hỗ trợ cần phải đọc kỹ hướng dẫn, pha nước theo đúng liều lượng chỉ định, không sử dụng dung dịch đã pha quá 24 tiếng, không đun sôi dung dịch… 

Trường hợp, ngộ độc tập thể xảy ra, cần chia dung dịch oresol riêng cho từng người, không uống chung để tránh người bị ngộ độc nhẹ có thể chuyển biến nghiêm trọng hơn.

Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu thấp

Quan sát người bệnh, nếu thấy tình trạng thở khó, cảm giác nghẹt thở thì nên dùng tay sạch kéo lưỡi người bệnh ra ngoài, tránh tụt vào trong, giúp người bệnh dễ thở hơn.

Theo dõi nhịp tim

Trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng, người bệnh có thể có các dấu hiệu như loạn nhịp tim, khó thở hay tụt huyết áp.

Đưa đến cơ sở y tế

Sau khi tiến hành quy trình sơ cứu ngộ độc thực phẩm bao gồm các cách gây nôn, bù nước,… dù tình trạng người bệnh có dấu hiệu tỉnh táo vẫn cần được đưa tới các cơ sở ý tế gần nhất để kiểm tra và tiến hành thực hiện các bước cấp cứu khi cần thiết. 

Dựa theo kết quả đánh giá lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số kỹ thuật như xét nghiệm máu, cấy phân,… nhằm tìm kiếm sự hiện diện của vi sinh vật gây bệnh, giúp xác định chính xác nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm phù hợp.

Lưu ý khi áp dụng cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

Khi phát hiện tình trạng ngộ độc thực phẩm (thông qua các dấu hiệu nhận biết như trên), người sơ cứu có thể dùng túi kín lưu giữ lại những mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc hoặc thức ăn người bệnh vừa nôn để bác sĩ có thể nhanh chóng xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Sau khi tình trạng ngộ độc thuyên giảm, người bệnh cần lưu ý:

  • Ăn uống từ từ trở lại với những thức ăn nhạt, dễ tiêu như bánh mì, cơm, thịt gà, chuối,… 
  • Ngừng ăn nếu cơn buồn nôn quay trở lại. Tránh các sản phẩm từ sữa, rau sống, caffeine, rượu, nicotin, thức ăn có nhiều chất béo hoặc cay trong vài ngày.
  • Cân nhắc có thể dùng thuốc acetaminophen để giảm khó chịu, tuy nhiên nếu mắc bệnh gan bạn nên tư vấn bác sĩ.
  • Không sử dụng thuốc chống tiêu chảy vì có thể làm chậm quá trình loại bỏ vi khuẩn khỏi các cơ quan tiêu hóa.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra theo những cách sau:

  • Rửa tay trước khi ăn hoặc chế biến thực phẩm.
  • Rửa tay sau khi đi vệ sinh, thay tã, hút thuốc, ho, hắt hơi, xì mũi.
  • Rửa tay sau khi chạm vào thực phẩm chưa được làm chín (trứng, thịt sống,…).
  • Sử dụng thớt bằng nhựa (thay vì bằng gỗ) để cắt thịt sống.
  • Làm sạch kỹ tất cả các bề mặt và dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm chưa được nấu chín.
  • Nấu chín kỹ các loại thịt và trứng trước khi ăn.
  • Không ăn/uống thực phẩm làm từ trứng, thịt sống/nấu chưa chín, các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng.
  • Rửa kỹ tất cả các loại thực phẩm trước khi ăn.
  • Tránh lây nhiễm chéo thực phẩm bằng cách để riêng thực phẩm nấu chín, thực phẩm ăn liền với thực phẩm còn sống, trứng.

Ngoài ra, một số người có nguy cơ mắc các bệnh do thực phẩm gây ra cao hơn so với những người khác, bao gồm:

  • Người cao tuổi: Tuổi cao là một yếu tố khiến nhóm người này dễ mắc bệnh, trong đó có ngộ độc thực phẩm. Lý do, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng chậm và yếu hơn ở những người cao tuổi.
  • Trẻ sơ sinh/trẻ nhỏ: Lúc này hệ miễn dịch của trẻ vẫn ở tình trạng “non nớt”, chưa phát triển đầy đủ, do đó càng trở nên nhạy cảm. Khi ăn/uống phải thực phẩm bị ô nhiễm, nếu không được xử lý kịp thời, quy trình sơ cứu ngộ độc thực phẩm không đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
  • Những người có các bệnh lý hệ thống gây suy giảm miễn dịch như người mắc bệnh tiểu đường, AIDS, người đang điều trị ung thư (xạ trị/hóa trị), phụ nữ có thai,….

Ở nhóm người này, cần phải có những biện pháp phòng ngừa bệnh từ thực phẩm và ngộ độc thực phẩm cẩn thận hơn như không ăn thức ăn cũ, không ăn thực phẩm để ở ngoài nhiệt độ phòng hơn 4 giờ. Trên đây là cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm và những lưu ý quan trọng, hy vọng có ích cho bạn đọc.

Tổng hợp: suckhoechoban.net

Đọc nhiều nhất