Trang chủ Bệnh thường gặp Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai qua từng giai đoạn

Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai qua từng giai đoạn

Trầm cảm khi mang thai là hội chứng rối loạn cảm xúc xảy ra trong thai kỳ. Bệnh lý này không chỉ tác động đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của trẻ sau khi chào đời. Chính vì vậy, thai phụ và người thân trong gia đình cần phải trang bị những thông tin dấu hiệu khi mang thai để có thể phát hiện sớm và vượt qua được chứng bệnh này.

Trầm cảm khi mang thai là bệnh gì?

Bệnh trầm cảm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nặng nề cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của bệnh nhân. Theo một thống kê, có khoảng 14 – 23% phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai. Nhiều chị em cố ý che giấu bệnh tình hoặc thậm chí không phát hiện ra rằng bản thân đang mắc phải vấn đề này.

Có thể bạn quan tâm:

Trầm cảm khi mang thai là thuật ngữ mô tả một dạng rối loạn cảm xúc, trong đó bệnh nhân thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và hành động theo hướng tiêu cực suốt thai kỳ. Lúc này, thai phụ sẽ thường xuyên sống trong tâm trạng buồn bã, mệt mỏi, chán nản, khó chịu, tuyệt vọng, đồng thời cảm thấy bản thân phạm phải tội lỗi và vô dụng.

Những dấu hiệu của bệnh lý sẽ biểu hiện rõ nét trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, từ đó tác động sâu sắc đến sức khỏe, tâm lý cũng như làm suy giảm chất lượng của các mối quan hệ xã hội. Tin vui là bệnh trầm cảm khi mang thai có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, hành trình nhận diện, kiểm soát và cải thiện vấn đề này chưa bao giờ thực sự dễ dàng. Nếu không được can thiệp tích cực, căn bệnh này có thể phát triển mạn tính và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê, bệnh trầm cảm khi mang thai gặp ở khoảng 14 – 23% thai phụ
Theo số liệu thống kê, bệnh trầm cảm khi mang thai gặp ở khoảng 14 – 23% thai phụ

Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai

Tương tự như trầm cảm thông thường, mẹ bầu bị trầm cảm khi mang thai cũng đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, chán nản, bi quan, giảm năng lượng và hứng thú với mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, diễn biến tâm lý ở thai phụ thường phức tạp hơn dưới tác động của một số nội tiết tố. Do đó, thay vì tiến triển từ từ, trầm cảm trong thời kỳ mang thai khởi phát triệu chứng nhanh và rõ rệt.

1. Triệu chứng chung của bệnh trầm cảm khi mang thai

Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm khi mang thai mang nhiều điểm tương đồng với chứng trầm cảm thông thường ở các đối tượng khác. Những triệu chứng điển hình của căn bệnh này bao gồm:

  • Mệt mỏi, chán nản, thất vọng, trống rỗng, vô định, bi quan
  • Khuôn mặt luôn có vẻ buồn rầu
  • Thường trực sự buồn bã qua biểu hiện khuôn mặt, lời nói và hành động. Mức độ buồn bã thường nặng dần theo thời gian.
  • Bối rối, hồi hộp, lo âu, khó chịu, dễ cáu gắt
  • Giảm hoặc mất hẳn hứng thú với thế giới xung quanh
  • Phản ứng chậm chạp, dáng đi lờ đờ, thiếu sức sống
  • Choáng váng, khó thở, toát mồ hôi, tim đập nhanh, cảm giác như bị suy tim hoặc bị ai đó tấn công, thậm chí ngất xỉu
  • Phán đoán kém chính xác, suy nghĩ không sáng suốt
  • Thay đổi cách xử sự
  • Đãng trí, khó tập trung, suy giảm trí nhớ, hành động thiếu quyết đoán
  • Chán ăn, khó ngủ, mất ngủ
  • Cảm thấy bất lực, yếu đuối, mặc cảm, tự ti, tội lỗi
  • Dành nhiều thời gian ở nhà, có xu hướng ngồi hoặc nằm im lìm trong nhiều giờ liền. Dáng đi biểu lộ rõ sự mệt mỏi, uể oải và buồn chán.
  • Có xu hướng sử dụng ma túy, rượu bia và các chất kích thích
  • Nảy sinh ý định hay hành vi tự tử

Ngoài các triệu chứng trên, trầm cảm trong thời kỳ mang thai cũng gây ra một số triệu chứng thể chất. Bởi khi não bộ bị ức chế, tín hiệu đến các cơ quan cũng sẽ bị rối loạn, từ đó dẫn đến hàng loạt các triệu chứng thể chất như:

  • Rối loạn tiểu tiện (tiểu nhiều lần, tiểu nhắt,…)
  • Ăn uống kém, táo bón, đầy hơi, chướng bụng, đau dạ dày, trào ngược dạ dày,…
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, thường không lên cân hoặc thậm chí bị sụt cân
  • Đánh trống ngực, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khó thở,…
  • Mất ngủ, ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc do gặp ác mộng

Để đảm bảo an toàn tối đa, mẹ bầu cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện các biểu hiện bất thường kể trên.

Trong 3 tháng đầu, mẹ bầu bị trầm cảm thường có tâm lý bất ổn, dễ gắt gỏng, nổi nóng và khóc lóc
Trong 3 tháng đầu, mẹ bầu bị trầm cảm thường có tâm lý bất ổn, dễ gắt gỏng, nổi nóng và khóc lóc

2. Dấu hiệu nhận biết trầm cảm khi mang thai ở từng giai đoạn

Ở phụ nữ mang thai, trầm cảm có liên quan mật thiết đến sự thay đổi của các tuyến nội tiết. Trong thai kỳ, các hormone sẽ có sự thay đổi rõ rệt ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Do đó, biểu hiện của bệnh trầm cảm ở bà bầu sẽ có sự khác biệt trong từng giai đoạn.

Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai trong 3 tháng đầu:

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, hormone progesterone tăng mạnh để đảm bảo độ dày cho niêm mạc tử cung. Ngoài ra, hormone này còn có vai trò chống co thắt, ức chế miễn dịch và tăng tuần hoàn máu đến cho bào thai. Gia tăng hormone progesterone được xác định có vai trò quan trọng giúp thai nhi làm tổ và ổn định trong tử cung của người mẹ.

Tuy nhiên, sự gia tăng của hormone này ảnh hưởng đáng kể tâm lý. Do đó, tình trạng chung thường thấy ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu là tâm trạng bất ổn, dễ gắt gỏng, nổi giận. Nếu bị trầm cảm khi mang thai trong 3 tháng đầu, mẹ bầu sẽ gặp phải các triệu chứng sau:

  • Nóng nảy, hay cáu kỉnh và tức giận, đôi khi nổi giận vô cớ
  • Luôn có cảm giác buồn bực, chán nản và khó chịu
  • Tâm trạng bất ổn, hay nổi nóng, nhạy cảm và rất dễ khóc – ngay cả khi không có yếu tố tác động
  • Cơ thể mệt mỏi và giảm năng lượng rõ rệt
  • Thay đổi thói quen ăn uống, chán ăn/ bỏ ăn hoặc ăn uống quá nhiều
  • Ngủ quá nhiều hoặc khó ngủ, mất ngủ

Trên thực tế, các triệu chứng của bệnh trầm cảm khi mang thai 3 tháng đầu rất dễ bị nhầm lẫn với ảnh hưởng của chứng ốm nghén và thay đổi tâm trạng sinh lý do hormone progesterone. Tuy nhiên nếu chú ý có thể thấy, các biểu hiện này có mức độ nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống – đặc biệt là các mối quan hệ.

Dấu hiệu trầm cảm ở phụ nữ mang thai 3 tháng giữa:

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm thường xảy ra chủ yếu vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Ở tháng giữa (từ tháng thứ 4 – 6), nội tiết tố tương đối ổn định nên các triệu chứng có thể giảm về mức độ và tần suất. Trầm cảm khi mang thai 3 tháng giữa thường có những biểu hiện như:

  • Có cảm giác buồn bã, chán nản không rõ nguyên do
  • Bi quan về tương lai của bản thân và đứa trẻ (thường bị nhầm lẫn với lo âu thông thường)
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải
  • Gặp một số vấn đề về ăn uống và giấc ngủ
  • Dành nhiều thời gian chìm đắm trong suy nghĩ về những sự kiện đã xảy ra hoặc chưa xảy ra
  • Thường xuyên ở trong nhà, ngồi và nằm im trong nhiều giờ liền
  • Không tăng cân nhiều hoặc thậm chí là bị giảm cân

Trầm cảm khi mang thai 3 tháng cuối đặc trưng bởi sự buồn bã sâu sắc, bi quan, chán nản và tuyệt vọng
Trầm cảm khi mang thai 3 tháng cuối đặc trưng bởi sự buồn bã sâu sắc, bi quan, chán nản và tuyệt vọng

Biểu hiện trầm cảm khi mang thai 3 tháng cuối:

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, triệu chứng của trầm cảm sẽ trở nên rõ rệt hơn. Nguyên nhân là do mẹ bầu sắp đối mặt với việc sinh nở và chăm sóc con cái. Ở giai đoạn này, diễn biến tâm lý của thai phụ sẽ phức tạp hơn so với 3 tháng đầu và 3 tháng giữa. Thậm chí, không ít mẹ bầu nảy sinh ý nghĩ tự sát và thực hiện các hành vi gây hại cho bản thân

  • Các biểu hiện trầm cảm khi mang thai 3 tháng cuối:
    • Sự buồn bã trở nên sâu sắc hơn, bà bầu luôn cảm thấy vô vọng, bi quan về cuộc sống
    • Mất hoàn toàn hứng thú với mọi thứ xung quanh, bao gồm cả những sở thích và món ăn yêu thích trước đây
    • Ở 3 tháng cuối, mẹ bầu ít gắt gỏng, cáu kỉnh nhưng tâm trạng vẫn rất bất ổn, nhạy cảm, dễ xúc động và hay khóc lóc
    • Khuôn mặt bộc lộ rõ sự buồn bã và u uất tột độ
    • Ở giai đoạn này, tư duy đã bị ức chế nên mẹ bầu sẽ có các biểu hiện như hồi tưởng khó khăn, liên tưởng chậm chạp, mất nhiều thời gian để trả lời câu hỏi của người khác. Giọng nói rất nhỏ, đôi khi thì thào như sắp khóc
    • Lo sợ quá mức về việc sinh nở và cuộc sống của con cái trong tương lai. Nhiều mẹ bầu cảm thấy bản thân vô dụng, tội lỗi khi mang thai nhưng không thể chăm sóc và mang lại cho con cuộc sống tốt đẹp nhất.
    • Một số trường hợp còn có thể xuất hiện kèm theo các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác bản thân mắc bệnh nghiêm trọng, đứa con bị dị tật, không thể sống sót khi sinh ra, bị buộc tội hoặc tự buộc tội bản thân.
    • Nếu không có biện pháp can thiệp, các ảo giác có thể xuất hiện nhiều lần thôi thúc mẹ bầu thực hiện hành vi tự hại, thậm chí là tự sát.

Trầm cảm khi mang thai 3 tháng cuối đặc trưng bởi sự buồn bã sâu sắc, bi quan, chán nản và tuyệt vọng
Trầm cảm khi mang thai 3 tháng cuối đặc trưng bởi sự buồn bã sâu sắc, bi quan, chán nản và tuyệt vọng

Có thể bạn quan tâm:

Trầm cảm khi mang thai 3 tháng đầu, giữa và cuối có nguy hiểm không?

Trầm cảm khi mang thai ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tâm thần và thể chất. Có thể nói, đây là vấn đề tâm lý phổ biến nhất hiện nay. Trạng thái tâm lý bất ổn, bi quan, buồn chán,… khiến bệnh nhân mất đi các cảm xúc tích cực, giảm hứng thú với mọi hoạt động xung quanh, dễ nổi giận và xung đột với những người xung quanh. Nếu không được thấu hiểu và chia sẻ, phụ nữ mang thai có thể tự cô lập bản thân, sau đó hình thành ý nghĩ bản thân vô dụng, phạm phải các tội lỗi không thể tha thứ hay nghiêm trọng hơn là ý nghĩ tự hại, tự sát.

Bên cạnh những ảnh hưởng đối với tâm lý, trầm cảm còn gây ức chế tư duy và hoạt động. Tình trạng này khiến cho phụ nữ mang thai khó có thể duy trì hiệu suất lao động, phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và nhiều vấn đề về tài chính.

Đối với mẹ bầu không có tài chính ổn định, đây được xem là yếu tố gia tăng mức độ trầm trọng của bệnh trầm cảm. Tài chính là vấn đề rất nhạy cảm trong thời gian mang thai. Bất ổn về thu nhập khiến mẹ bầu bi quan về cuộc sống, dễ nảy sinh xung đột với bạn đời và đôi khi có ý định tự sát để giải phóng bản thân.

Kết luận

Trầm cảm trong thai kỳ gây ảnh hưởng tiêu cực lên cả mẹ và bé nhưng vẫn có cách phòng ngừa và điều trị. Nếu bạn cần được chia sẻ hay giúp đỡ thì đừng ngần ngại nói ra. Những gia đình có phụ nữ đang mang thai hãy chú ý quan tâm và chăm sóc để những người mẹ tương lai được vui vẻ chào đón bé nhé.

Tổng hợp: suckhoechoban.net

Đọc nhiều nhất