Trang chủ hỏi đáp 6+ Phương pháp tầm soát ung thư gan: ai nên tầm soát...

6+ Phương pháp tầm soát ung thư gan: ai nên tầm soát sớm?

Tầm soát ung thư gan có ý nghĩa quan trọng trước bối cảnh bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa, đe dọa tính mạng của hàng triệu người mỗi năm do không được sớm phát hiện và không có phác đồ điều trị phù hợp, kịp thời.

Tổng quan về ung thư gan

Là “nhà máy” thực hiện cùng lúc nhiều chức năng thiết yếu bao gồm dự trữ – chuyển hóa – tổng hợp các chất, lọc máu, tiêu hóa thức ăn và thải độc, gan đóng vai trò quan trọng sống còn đối với cơ thể. Khi gan bị tổn thương như mắc ung thư gan, các tế bào gan lành bị phá hủy, chức năng gan suy giảm nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.

Tham khảo thêm:

Theo Bộ Y tế, Việt Nam có tỷ lệ người mắc bệnh về gan cao, đặc biệt tỷ lệ mắc ung thư gan đứng thứ 4 trên thế giới. Từ kết quả phân tích dữ liệu thống kê từ GLOBOCAN 2020 cho thấy, mỗi năm Việt Nam có 26.418 ca mắc ung thư gan mới. Số ca tử vong do ung thư gan luôn dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư. Trong đó có khoảng 80% số người mắc ung thư gan phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn nặng. Đáng lo ngại, lượng người trẻ mắc ung thư gan ngày càng tăng, đã có nhiều trường hợp phát hiện ra bệnh trong độ tuổi từ 15 – 30.

6+ Phương pháp tầm soát ung thư gan: ai nên tầm soát sớm?
6+ Phương pháp tầm soát ung thư gan: ai nên tầm soát sớm?

BS.TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy, BVĐK Tâm Anh Hà Nội nhận định, ung thư gan là bệnh lý nguy hiểm nhưng các triệu chứng lâm sàng thường không biểu hiện rõ ràng khi ở giai đoạn sớm. Khi các tế bào ung thư đã phát triển và lan rộng đến một mức độ nhất định, các biểu hiện bất thường mới xuất hiện. Do vậy đã có nhiều trường hợp bệnh nhân bỏ qua “giai đoạn vàng” để điều trị. Vào thời điểm muộn, việc điều trị về cơ bản không thể dứt điểm. Tầm soát ung thư gan hiện là một trong những cách hữu hiệu để sớm phát hiện ra bệnh.

Vì sao cần phải tầm soát ung thư gan?

Ung thư gan có tỷ lệ tử vong cao trước hết là do tính chất bệnh tiến triển thầm lặng nên đa số bệnh nhân thường phát hiện ra bệnh khi đã bước vào giai đoạn muộn. Lúc này các tế bào gan đã bị phá hủy nghiêm trọng, khối u quá to hoặc đã di căn, chức năng gan và một số cơ quan khác suy giảm khiến cơ thể khó đáp ứng hiệu quả với các phương pháp điều trị.

Theo TS Khanh, điều trị ung thư gan cơ bản nhất là điều trị triệt căn. Trong khi đó điều kiện cần của điều trị triệt căn là phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm. Có 3 yếu tố quyết định việc điều trị ung thư gan hiệu quả, đó là:

  • Điều trị triệt căn: lấy toàn bộ khối u gan ra ngoài hoặc phá hủy toàn bộ khối u
  • Điều trị giai đoạn trung gian: thu nhỏ kích thước khối u rồi mới bắt đầu điều trị triệt căn.
  • Điều trị mang tính bổ trợ, chăm sóc giảm nhẹ cho những trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Đây là những phương pháp điều trị vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nhưng lại không đảm bảo kéo dài được thời gian sống.

Theo thống kê, việc tầm soát ung thư gan nhằm phát hiện bệnh sớm ở những bệnh nhân không triệu chứng đã cho nhiều kết quả thuận lợi với hiệu quả điều trị cao hơn so với những người không thực hiện tầm soát. Cụ thể là: Khả năng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm cao hơn (71% so với 30%), khả năng chữa lành cao hơn (51% so với 24%), tỷ lệ sống còn sau 3 năm cao hơn (51% so với 28%).

Do vậy tầm soát ung thư gan sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Không chỉ hạn chế được nhiều tác dụng phụ, giảm bớt chi phí điều trị, đảm bảo tính thẩm mỹ, bảo tồn được tối đa chức năng sinh học các cơ quan trong cơ thể, tầm soát ung thư gan giai đoạn sớm còn giúp tăng khả năng điều trị khỏi bệnh.

Đối tượng nào nên tầm soát ung thư gan sớm?

Theo khuyến cáo, tốt nhất nên thực hiện tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện ra bệnh, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như:

  • Người bị viêm gan virus B, C mạn tính: Nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư gan trên toàn thế giới, tiêu biểu là ung thư biểu mô tế bào gan. Đặc biệt những người này mà có tiền sử gia đình như bố mẹ anh em ruột bị xơ gan hoặc ung thư gan thì càng có nguy cơ cao mắc bệnh. Vì thế những bệnh nhân viêm gan virus mạn tính cần tầm soát ung thư gan định kỳ.
  •  Người nghiện rượu bia hoặc uống bia rượu thường xuyên: Rượu là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư gan nên nhóm đối tượng này cần thiết phải tầm soát ung thư gan.
  • Người thừa cân, béo phì: Tình trạng thừa cân, béo phì có thể kéo theo nhiều biến chứng như gan nhiễm mỡ, người bị hội chứng chuyển hóa: tiểu đường type 2, tăng huyết áp, tăng mỡ máu. Trong khi đó gan nhiễm mỡ hay tiểu đường type 2 có thể diễn tiến thành viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
  • Người có tiền sử bị viêm gan tự miễn – một tình trạng gan bị viêm do hệ thống miễn dịch của cơ thể quay ngược trở lại tấn công gan. Gan bị tổn thương rất dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Do vậy người có tiền sử viêm gan tự miễn nên đi tầm soát ung thư gan.
  • Người bị viêm gan mạn hoặc xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào: người mắc viêm gan mạn hoặc xơ gan có nguy cơ cao tiến triển ung thư biểu mô tế bào gan. Do vậy những người có tiền sử bị xơ gan rất nên thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư gan.

Phương pháp tầm soát ung thư gan giai đoạn sớm

Khám lâm sàng là bước chung nhất trong tầm soát các bệnh ung thư. Trong quá trình khám lâm sàng, dựa trên các yếu tố tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh của gia đình, nghề nghiệp, thói quen uống rượu bia/hút thuốc lá, các bác sĩ sẽ đồng thời tìm kiếm các hạch bất thường, khối u trên cơ thể để đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, khám lâm sàng là bước đầu tiên tầm soát ung thư gan.

1. Siêu âm

Với độ nhạy khoảng 68 – 78%, siêu âm gan là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất hiện nay được lựa chọn để tầm soát ung thư gan. Siêu âm có thể phát hiện được những khối u  khi còn rất nhỏ: 0,5 cm – 1cm, kèm những bệnh lý như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Bên cạnh đó, việc siêu âm rất đơn giản, không gây hại đến sức khỏe và tiết kiệm chi phí. Thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành kết hợp siêu âm gan và đo nồng độ AFP trong máu trong phác đồ tầm soát ung thư gan để có những đánh giá tối ưu, chính xác hơn.

Siêu âm
Siêu âm

Đây cũng là phương pháp được Hội Nghiên cứu Bệnh gan Hoa Kỳ (AASLD) và Tổ chức Nghiên cứu và Điều trị Ung thư Châu Âu (EORTC) đề nghị thực hiện để tầm soát ung thư gan ở những người có nguy cơ cao.

2. Chụp cắt lớp phân giải cao và chụp cộng hưởng từ

Với những khối u nhỏ hơn 1cm, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp cắt lớp phân giải cao và chụp cộng hưởng từ để tầm soát ung thư gan. Tổ hợp chụp cắt lớp phân giải cao và chụp cộng hưởng từ có tiêm cản quang giúp chẩn đoán giai đoạn ung thư gan.

Xét nghiệm tầm soát ung thư gan

1. Chỉ số Alpha-fetoprotein (AFP)

  •  AFP là một loại glycoprotein được hình thành trong túi noãn hoàng và gan của thai nhi chưa trưởng thành. Nồng độ AFP trong máu có thể cảnh báo tình trạng ung thư gan. Độ nhạy chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan của AFP đạt 39-45% và độ đặc hiệu là 76-94% nên xét nghiệm máu tìm chỉ số AFP thường được sử dụng trong tầm soát ung thư gan giai đoạn sớm.
  • Chỉ số AFP ở nam giới và phụ nữ không có thai bình thường là: < 4,0 ng/ml hay < 7,75 UI/ml. Khi nồng độ AFP tăng nhẹ ở mức <200 ng/ml cảnh báo nguy cơ cao bị ung thư tế bào gan; <500 ng/ml là tăng vừa, biểu hiện của những người ung thư gan hoặc bệnh nhân có dấu hiệu viêm gan mãn tính; >500 ng/ml nghĩa tăng rất cao, có thể xác định 99% là ung thư tế bào gan.

2. Chỉ số AFP-L3

  • AFP có 3 thể khác nhau là AFP-L1, AFP-L2 và AFP-L3. Tuy nhiên, chỉ có nồng độ AFP-L3 là có liên quan đến những trường hợp u gan giai đoạn sớm kích thước nhỏ. Thống kê cho thấy có khoảng 35% trường hợp bệnh nhân mắc u gan cho chỉ số AFP-L3 tăng cao so với mức bình thường (nồng độ trong huyết thanh thấp hơn 10%).
  • Người có chỉ số AFP-L3 cao hơn 10% thì tăng gấp 7 lần nguy cơ xuất hiện ung thư biểu mô tế bào gan chỉ trong vòng 21 tháng .

3. Chỉ số DCP hay PIVKA II

  • PIVKA-II không xuất hiện ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở những người bị bệnh gan và gan ác tính như ung thư gan, PIVKA-II có thể tăng. Đây được xem là xét nghiệm rất có giá trị trong hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi đáp ứng điều trị, tái phát và tiên lượng bệnh ung thư biểu mô tế bào gan. Do đó PIVKA-II thường được chỉ định trong quá trình tầm soát ung thư gan.

Xét nghiệm tầm soát ung thư gan
Xét nghiệm tầm soát ung thư gan

Có thể bạn quan tâm:

Các lưu ý khi tầm soát ung thư gan giai đoạn sớm

BS.TS Vũ Trường Khanh đưa ra lời khuyên, thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư gan bằng phương pháp siêu âm gan 6 tháng/lần ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như: viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C, xơ gan,… là cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm.

Khi đến tầm soát ung thư gan giai đoạn sớm, cần thông tin rõ tiền sử gia đình và tình trạng sức khỏe để bác sĩ chẩn đoán. Ở những lần tái khám, cần mang theo kết quả tầm soát trước đây để bác sĩ theo dõi, đánh giá và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

 

Đọc nhiều nhất