Trang chủ Các bệnh ung thư Sarcoma xương là gì? Nguyên nhân & dấu hiệu điều trị bệnh

Sarcoma xương là gì? Nguyên nhân & dấu hiệu điều trị bệnh

U xương ác tính – Sarcoma xương là loại ung thư xương chiếm 5% trong tổng số các ung thư trẻ em. Bệnh có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như đến phổi hoặc các xương khác nên sarcoma xương là một bệnh lý rất nguy hiểm cần được thăm khám và điều trị sớm.

1. Bệnh sarcoma xương là gì?

Bệnh sarcoma (hay u xương ác tính/ung thư xương tạo xương) là một loại ung thư xương xảy ra ở trong các tế bào tạo ra xương. Các tế bào này thay vì xương mới sẽ tạo ra các khối u ác tính. Sarcoma xương có thể phát triển ở bất kì xương nào trong cơ thể bạn.

Thông thường, căn bệnh u xương ác tính này thường xuất hiện ở xương quanh khớp gối, hoặc ở xương đùi (cực dưới của xương đùi) hay ở xương chày (cực trên của xương cẳng chân). Một số trường hợp hiếm gặp là bệnh xuất hiện khối u trong mô mềm của cơ thể. Các vùng hàm, xương sườn hay xương chậu sẽ có tỷ lệ mắc khối u ác tính thấp. Ung thư xương tạo xương cũng rất hiếm khi xuất hiện trên xương ngón tay và ngón chân.

Sarcoma Xương
Sarcoma Xương

Sarcoma xương là căn bệnh rất nguy hiểm bởi nó có khả năng di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, thường nhất là đến phổi hay các xương khác. Theo nghiên cứu, có thể chia sarcoma xương (u xương ác tính) làm 2 loại:

  • U trung tâm (hay còn được gọi là u tủy);
  • U bề mặt (hay còn được gọi là u ngoại vi).

Mỗi loại u trên đều có những phân nhóm khác nhau được xác định bằng cách quan sát các tế bào khối u thông qua kính hiển vi.

2. Nguyên nhân bệnh sarcoma xương

Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư xương tạo xương được xác định là do các tế bào tạo xương xảy ra sự phân chia bất thường, dẫn đến hình thành các khối u ác tính. Tình trạng tế bào xương xảy ra sự phân chia bất thường có thể là do bộ máy gen của tế bào (ADN) bị lỗi. Lúc này, các tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát được khiến các khối u xương ác tính hình thành. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân gây bệnh sarcoma xương khác như:

  • Các loại thuốc ung thư hay các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị cũng góp phần tạo nên các khối u ác tính;
  • Nguyên nhân gây ra bệnh này ở trẻ em có thể là do xương tăng trưởng nhanh chóng. Theo đó, nếu thấy xương của trẻ phát triển quá nhanh so với bình thường thì tồn tại nhiều khả năng mắc khối u ác tính.

Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư xương tạo xương được xác định là do các tế bào tạo xương xảy ra sự phân chia bất thường

3. Dấu hiệu và triệu chứng bệnh sarcoma xương

Bệnh ung thư xương tạo xương thường gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt là những trẻ có chiều cao lớn hơn các trẻ khác cùng lứa tuổi. Vị trí mà bệnh hay xuất hiện thường là đầu dưới xương đùi hoặc đầu trên xương chày.

Triệu chứng bệnh sarcoma
Triệu chứng bệnh sarcoma

Những triệu chứng thường gặp của bệnh sarcoma xương bao gồm:

  • Đau: Đây là triệu chứng khởi phát hay gặp nhất của bệnh sarcoma xương. Bệnh nhân sẽ nhận thấy những cơn đau mơ hồ từng đợt, sau đó tiến triển thành những cơn đau dai dẳng gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, dù dùng các thuốc giảm đau không thuyên giảm.
  • Xuất hiện khối u: U xương sẽ lồi lên trên bề mặt da, bờ không rõ. Nếu khối u to nhanh sẽ làm biến dạng chi vùng có u.
  • Gãy xương bệnh lý: vì khối u xương ác tính gây tiêu hủy xương nên có hiện tượng gãy xương.

Nếu cảm thấy các khớp xương đau nhức dai dẳng, sưng hoặc nứt gãy ở các vùng cơ xương thì bạn cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

4. Chẩn đoán bệnh sarcoma xương

Để chẩn đoán bệnh thì bước đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh nhân về các triệu chứng bệnh, những khó khăn (nếu có) xuất hiện trong lúc di chuyển chân tay và chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân thông thường gây đau và sưng chân tay (như viêm khớp, chấn thương thể thao,…). Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ xem xét các vùng lân cận, dịch trong khớp cũng như những khối u lồi.

Để đưa ra những chẩn đoán cận lâm sàng, dưới đây là những kĩ thuật cần thực hiện:

  • Chụp X-quang quy ước;
  • Chụp cắt lớp vi tính;
  • Chụp cộng hưởng từ;
  • Xạ hình xương bằng với SPECT, SPECT/CT và 99mTc-MDP;
  • Xạ hình thận chức năng với máy SPECT, SPECT/CT và 99mTc-DTPA;
  • Chụp PET/CT toàn thân với 18F-FDG;
  • Chụp PET/CT với 18F-NaF;
  • Xét nghiệm sinh hóa máu;
  • Xét nghiệm mô bệnh học.

Trong trường hợp sau khi chụp X-quang bác sĩ thấy dấu hiệu của khối u xuất hiện, người bệnh sẽ được yêu cầu đến các trung tâm y tế lớn để điều trị sarcoma xương. Ở đó, người bệnh sẽ được tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) khu vực có khối u nhằm mục đích xác định ảnh hưởng của khối u tới mạch máu cũng như các dây thần kinh và các khớp gần đó.

Chụp xạ hình xương chẩn đoán bệnh sarcoma xương
Chụp xạ hình xương chẩn đoán bệnh sarcoma xương

5. Điều trị bệnh sarcoma xương

Có 3 phương pháp sẽ được phối trong điều trị ung thư xương tạo xương, bao gồm: hóa trị, phẫu thuật và hóa trị theo dõi sau phẫu thuật. Cụ thể hơn, hóa trị đợt đầu sẽ được tiến hành trước khi phẫu thuật là nhằm mục đích để tiêu diệt nhiều nhất có thể các tế bào ung thư. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật sớm để loại bỏ phần xương ung thư mà không cần đoạn chi. Tiếp đó, bác sĩ sẽ tiến hành ghép xương hay các chất tổng hợp vào vùng xương đã bị mất để giúp các chức năng chi hoàn thiện nhất có thể.

Cuối cùng, hóa trị sau phẫu thuật là bước thứ ba trong quá trình điều trị bệnh Sarcoma xương. Nếu như khối u đã xâm lấn mạch máu quan trọng hoặc trở thành một phần của khớp gần đó thì sẽ khó thực hiện phẫu thuật giữ chi. Đối với những trường hợp này, bác sĩ thường phải cắt bỏ chi mắc bệnh.

Tóm lại, sarcoma xương – u xương ác tính là một bệnh lý rất nguy hiểm. Chính vì vậy, khi phát hiện có khối u xương thì người bệnh nên thăm khám để được điều trị kịp thời trước khi khối u ngày một xâm lấn.

Đọc nhiều nhất