Thông thường, móng chân hoặc móng tay bị rỗ sẽ liên quan đến bệnh vảy nến nhưng bên cạnh đó cũng có một số bệnh lý liên quan khác gây ra tình trạng này. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp những thông tin liên quan đến hiện tượng rỗ móng để bạn tìm hiểu chi tiết hơn về nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị các bệnh về móng.
Tình trạng móng tay bị rỗ thường biểu hiện như thế nào?
Rỗ móng có thể xuất hiện dưới dạng các lỗ nông hoặc sâu trên móng tay, móng chân của bạn. Một số trường hợp người bị rỗ móng còn mô tả các rỗ này như những đốm trắng bất thường trên móng tay. Thông thường, tình trạng này sẽ liên quan đến bệnh vảy nến vì căn bệnh này thường “xâm lấn” sang cả móng tay, móng chân và gây rỗ. Điều này khiến bạn gặp phải những vấn đề như:
- Xuất hiện các vết lõm trên móng tay.
- Móng tay bị đổi màu sang màu vàng hoặc màu nâu.
- Móng tay lỏng lẻo, tách khỏi ngón tay hoặc bị dễ gãy vụn.
- Móng tay có thể bị chảy máu.
Có thể bạn quan tâm:
- Móng tay có sọc: nguyên nhân và cảnh báo
- Móng tay có sọc đen: Dấu hiệu cảnh báo sức khoẻ cần lưu ý
- Móng tay có sọc đen là bệnh gì – Dấu hiệu cảnh báo
Nguyên nhân khiến móng tay bị rỗ
Phần lớn trường hợp móng tay bị rỗ thường liên quan đến bệnh vảy nến. Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng vết rỗ trên móng tay có mối liên hệ với mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến nói chung. Bên cạnh đó, nếu tình trạng móng tay bị rỗ của bạn không liên quan đến bệnh vảy nến thì có thể là do những nguyên nhân sau đây:
- Bạn bị rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như mắc hội chứng Reiter, một dạng viêm khớp phản ứng.
- Mắc các bệnh tự miễn chẳng hạn như rụng tóc từng mảng, bệnh sarcoidosis (u hạt) và bệnh da bọng nước tự miễn.
- Mắc bệnh viêm da dị ứng cũng có thể khiến móng tay bị rỗ.
Phương pháp chẩn đoán các bệnh liên quan đến móng tay
Nếu bạn lo lắng về tình trạng móng tay bị rỗ thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Thông thường, điều đầu tiên mà bác sĩ sẽ làm đó là cho bạn khám sức khỏe. Sau đó, bác sĩ thường sẽ xem xét tiền sử bệnh lý (nếu cần thiết), đặc biệt là khi bạn mắc bệnh vảy nến hoặc các rối loạn gây ra vết rỗ trên móng tay hoặc bị nấm móng tay.
Việc chẩn đoán các bệnh liên quan đến móng tay thường không quá phức tạp do tình trạng trên móng đã biểu hiện khá rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không thể xác định được vì sao móng tay bị rỗ, bác sĩ có thể lấy mẫu móng tay của bạn làm sinh thiết để tìm ra nguyên nhân chính xác hoặc các bệnh lý liên quan.
Điều trị móng tay bị rỗ như thế nào?
Rỗ móng là tình trạng mà các vết rỗ sẽ hình thành song song với sự phát triển của móng tay. Vì vậy mà việc điều trị móng tay bị rỗ thường không dễ dàng và tốn rất nhiều thời gian. Thuốc bôi có thể phù hợp với người mắc bệnh vảy nến móng tay thể nhẹ hoặc phát hiện sớm. Ngược lại, nếu căn bệnh của bạn “cứng đầu” hơn thì bác sĩ có thể đề nghị tiêm corticosteroid ở vị trí gần móng tay của bạn kết hợp bổ sung vitamin D3 hoặc điều trị bằng tia laser.
Bên cạnh đó, những loại thuốc như cyclosporine và methotrexate cũng là phương pháp được lựa chọn để chữa rỗ móng. Tuy nhiên, bạn sẽ cần thảo luận thêm với bác sĩ về việc dùng thuốc vì các loại thuốc này có thể gây rủi ro nhiều hơn lợi ích. Đối với trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề xuất bạn phẫu thuật loại bỏ móng để các mô móng khỏe mạnh có thể mọc lại.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh vảy nến và những thông tin bạn không thể bỏ qua
- Bệnh Zona và những điều mà bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ
Mách bạn các mẹo chăm sóc và bảo vệ móng tay
Trước và sau khi điều trị móng tay bị rỗ, bạn nên cân nhắc và áp dụng những giải pháp chăm sóc móng tay của mình để bảo vệ, nuôi dưỡng móng hiệu quả hơn. Các mẹo hữu ích là:
- Nếu móng tay của bạn yếu hoặc thậm chí lỏng lẻo, chúng dễ bị hư hại nhiều hơn khi cọ xát. Vì vậy, bạn không nên để móng dài mà hãy cắt ngắn để bảo vệ móng không bị gãy.
- Đeo găng tay mỏng bằng cotton khi làm việc nhà như nấu ăn, rửa chén, giặt đồ…
- Không nên đeo móng giả hoặc sơn móng tay vì các hóa chất có thể gây hư hại cho móng nhiều hơn, thậm chí khiến móng tay bị rỗ nặng hơn.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu, xin tư vấn sản phẩm kem dưỡng móng phù hợp.
- Uống nhiều nước và bổ sung vitamin B, kẽm… vào chế độ ăn để nuôi dưỡng móng.
Móng tay bị rỗ vừa gây mất thẩm mỹ vừa có thể cảnh báo một bệnh lý nào đó. Vì vậy, nếu bạn phát hiện tình trạng này thì nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị. Thông thường, việc chữa rỗ móng sẽ tốn khá nhiều thời gian. Đôi khi, người bệnh sẽ phải thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau để tìm ra cách chữa phù hợp.
Tổng hợp: suckhoechoban.net