Đâu là các dấu hiệu trẻ tăng động, bốc đồng mà ba mẹ cần lưu ý để cân nhắc cho trẻ đi khám sớm, từ đó giúp trẻ được can thiệp kịp thời, hiệu quả? Rối loạn tăng động giảm chú ý là một vấn đề thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều trẻ khỏe mạnh, hoạt bát cũng dễ bị “dán nhãn” là tăng động. Bài viết này chỉ cung cấp thông tin về các dấu hiệu nhận biết trẻ tăng động, không được sử dụng thay tiêu chuẩn chẩn đoán.
Hiếu động và tăng động
Nhiều trẻ rất năng động, và có các dấu hiệu rối loạn lưỡng cực, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đối với những trẻ năng động, khi được yêu cầu dừng lại và giữ yên lặng, trẻ có thể đáp ứng theo hoặc đôi khi trẻ cần thêm sự giúp đỡ để quản lý mức độ hoạt động của mình. Ví dụ, trẻ có thể đá bóng, chạy nhảy vui chơi nhưng cũng có thể ngồi yên với một quyển sách trong năm phút sau đó.
Tuy nhiên, một số trẻ không thể ngồi yên một chỗ. Chúng ngọ ngoạy, liên tục bỏ cái này, bắt cái kia (đồ vật), nói quá nhiều hoặc chạy nhảy ngay cả khi được yêu cầu dừng lại. Trong lớp học, trẻ thường di chuyển, la hét, “bày trò” và cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người. Đó có thể là một trong những triệu chứng bệnh tăng động (hay thực chất là rối loạn tăng động giảm chú ý).
Một trong những điểm khác biệt chính giữa một đứa trẻ bình thường hiếu động và một đứa trẻ tăng động đó là, trẻ tăng động thường không hoặc ít có khả năng kiểm soát, “kìm chế” các hoạt động của mình (tự chủ hoặc theo yêu cầu của người khác) và hòa đồng với bạn bè trong các tình huống xã hội và trường học. Tăng động không phải là hành vi sai trái hoặc thiếu kỷ luật, trẻ không cố ý hành động như vậy. Điều quan trọng bạn có thể làm là nhận biết trẻ tăng động và hiểu rằng trẻ cần được giúp đỡ.
Dấu hiệu trẻ tăng động như thế nào?
Nếu con bạn hoạt động liên tục, bạn có thể lo lắng về hành vi đó của con. Bạn tự hỏi liệu có phải con mình bị tăng động hay không? hãy theo dõi các dấu hiệu trẻ tăng động dưới đây.
1. Thường xuyên cựa quậy tay chân, hoặc tỏ vẻ lúng túng trên ghế
Bạn sẽ thấy trẻ luôn ngọ nguậy không yên, dù được nhắc nhở, thậm chí dùng phương pháp trừng phạt buộc trẻ phải ngồi yên. Cần lưu ý rằng đó không phải là trẻ không biết nghe lời, thực tế là trẻ không thể ngồi yên được. Đây là dấu hiệu trẻ tăng động thường thấy nhất.
2. Thường xuyên đứng dậy khỏi ghế trong các tình huống vẫn yêu cầu ngồi yên
Giáo viên của trẻ có thể căng thẳng vì trẻ thường xuyên đứng lên giữa lớp và đi xung quanh khi giáo viên đang giảng bài. Hành động này có khả năng gây cản trở việc dạy và học ở lớp. Đây là một dấu hiệu trẻ tăng động khá thường gặp, cũng là lý do giáo viên thường nêu ra để yêu cầu phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Trẻ cũng có thể liên tục rời khỏi chỗ trong bữa ăn hoặc các hoạt động đòi hỏi trẻ phải ngồi lâu như đọc sách, kể chuyện hoặc xem phim.
3. Thường xuyên chạy nhảy hay leo trèo trong những tình huống không phù hợp
Biểu hiện này thường gặp ở trẻ nhỏ hơn so với trẻ lớn. Hành động này có thể dễ gây tai nạn cho trẻ và sự khó chịu cho những người xung quanh. Trẻ có thể bị nhận xét là thiếu kỷ luật hoặc thậm chí không được dạy dỗ tốt, có thể khiến trẻ (hoặc phụ huynh của trẻ) cảm thấy tồi tệ và xấu hổ.
4. Thường xuyên không thể chơi hoặc tham gia các hoạt động giải trí một cách yên lặng
Trẻ thường xuyên chạy và hét khi chơi, ngay cả khi trẻ đang ở trong nhà. Trẻ chơi một cách ồn ào và điều đó làm cho trẻ phấn khích. Nhiều phụ huynh có thể chỉ nghĩ đơn giản là con mình hơi hiếu động.
5. Thường xuyên “bận rộn” hoặc làm như “đang ngồi trên xe máy”, hoạt động như thể đang “bị điều khiển bởi động cơ”
Mọi người xung quanh có thể mô tả tình trạng của trẻ là hoạt động liên tục như đang được điều khiển bởi động cơ. Hoặc mô tả bằng những câu như: “Trẻ không biết mệt”, “Trẻ có rất nhiều năng lượng”…
6. Thường xuyên nói quá nhiều, nói liên tục
Phụ huynh có xu hướng tránh né việc trò chuyện với trẻ hoặc dễ cáu gắt vì trẻ nói quá nhiều. Trẻ cũng có thể khiến bạn học phân tâm và giáo viên than phiền rằng trẻ thường xuyên nói chuyện trong lớp. Nói chuyện không ngừng có thể làm phiền những trẻ khác và dẫn đến việc trẻ bị trêu chọc.
Một số giáo viên gặp khó khăn khi trẻ phát biểu quá nhiều, và nếu không gọi trẻ trả lời thì có thể dẫn đến sự “bùng nổ” của trẻ trong lớp học. Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát mình ít nói lại ngay cả khi chúng biết mình đang nói quá nhiều.
7. Thường xuyên đưa ra câu trả lời trước khi câu hỏi kết thúc
Đặc điểm bốc đồng này thường dẫn đến những câu trả lời sai và sự khó chịu hơn là một câu trả lời đúng và lời khen dành cho trẻ. Trẻ cũng có thể nói hoặc làm những điều mà không nghĩ đến hậu quả.
8. Thường xuyên gặp khó khăn khi chờ đến lượt
Các nhu cầu thường phải được đáp ứng ngay lập tức. Bạn cũng có thể bắt gặp tình huống trẻ lấy đồ mà không được phép, chẳng hạn như sách bút trên bàn giáo viên hoặc kẹo trong cửa hàng. Sự thất vọng vì phải chờ đợi dẫn đến cáu gắt, căng thẳng hoặc kích hoạt những hành vi “bạo lực”.
Ba mẹ cần hết sức lưu ý trong tình huống này, vì việc cố gắng đáp ứng các yêu cầu của trẻ nhằm tránh sự căng thẳng khi trẻ phải chờ đợi, có thể vô tình củng cố thêm một số hành vi không phù hợp của trẻ. Ở những lần tiếp theo, trẻ có thể dùng cách này để được đáp ứng ngay lập tức. Đây là dấu hiệu trẻ tăng động dễ quan sát.
9. Thường xuyên xen ngang hoặc tự tiện tham gia vào cuộc nói chuyện hoặc hoạt động của người khác
Trẻ thường xen ngang khi bạn đang nói chuyện vì muốn nói một điều gì đó với bạn mà không thể chờ đợi. Ở tình huống này, trẻ hay bị cho là “hỗn”, vì phụ huynh đã nhắc nhở nhiều lần nhưng trẻ không thể chấm dứt hành vi này. Trẻ cũng có thể tự ý tham gia vào một trò chơi mà chưa có sự đồng ý của các bạn, điều này có thể gây ra tranh cãi và căng thẳng.
10. Các dấu hiệu trẻ tăng động phải kéo dài ít nhất 6 tháng
Nếu trẻ thực sự bị tăng động, các biểu hiện trên phải xuất hiện và kéo dài từ 6 tháng trở lên. Nếu thời gian chưa đủ 6 tháng, bạn cần quan sát thêm, hoặc trẻ bình thường, hoặc là một vấn đề khác không phải tăng động (cần được bác sĩ đánh giá chính xác).
11. Các triệu chứng gây cản trở hoặc làm giảm chất lượng học tập và các mối quan hệ xã hội
Giáo viên thường xuyên than phiền vì trẻ phá phách trong lớp, không tuân theo các chỉ dẫn hoặc không hoàn thành bài tập. Kết quả học tập thỉnh thoảng hoặc luôn có vấn đề. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc kết bạn vì chơi quá thô bạo và vô tình làm đau bạn, hoặc chính trẻ bị thương.
Mối quan hệ của trẻ và cha mẹ cũng có nguy cơ trở nên căng thẳng vì phụ huynh cho rằng trẻ “hư”, “không nghe lời” hoặc phụ huynh tức giận với trẻ vì nhận xét không tốt của những người xung quanh về con mình.
12. Biểu hiện tăng động của trẻ xuất hiện ở ít nhất hai môi trường
Nếu bạn chỉ phát hiện một vài dấu hiệu trẻ tăng động hoặc các triệu chứng chỉ xuất hiện trong một số trường hợp, thì có thể đó không phải là trẻ bị tăng động. Tuy nhiên, nếu trẻ có một số dấu hiệu và triệu chứng tăng động trong phần lớn các tình huống, ở nhà, ở trường và khi chơi (hoặc ngay cả khi bạn không nhận thấy các hành vi đó của trẻ nhưng những người khác nhận thấy và bình luận về chúng), thì đã đến lúc bạn cần xem xét kỹ hơn để có thể kịp thời can thiệp cho con.
Nếu con tôi có dấu hiệu trẻ tăng động thì tôi cần làm gì tiếp theo?
Ba mẹ có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa tăng động và “hành vi bình thường của trẻ”. Lý do, tất cả trẻ em đều khác nhau và các dấu hiệu, triệu chứng cũng có thể khác nhau.
Các dấu hiệu trẻ tăng động thường xuất hiện ở môi trường bên ngoài gia đình, nơi trẻ ở ngoài vùng an toàn của mình. Bất cứ khi nào bạn lo lắng về những biểu hiện này, bạn đều có thể nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ nhi khoa về phát triển và hành vi để xác định vấn đề của trẻ.