Bệnh zona, hay còn gọi là giời leo có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng người cao tuổi và người có sức khỏe yếu có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn. Dấu hiệu của bệnh zona đặc trưng là xuất hiện các mảng phát ban đỏ, mụn nước mọc ở một số vùng trên cơ thể.
1. Dấu hiệu của bệnh zona đặc trưng
Zona là bệnh do sự tái hoạt động của virus gây bệnh thủy đậu Varicella-zoster. Ở lần hoạt động đầu tiên, virus này gây thủy đậu, sau đó cơ thể hình thành kháng thể chống lại sự hoạt động của chúng. Song virus không biến mất hoàn toàn mà lui về cư trú trong cơ thể người bệnh, cụ thể là các tế bào và hạch thần kinh. Vì yếu tố nào đó, virus tái hoạt động, chúng di chuyển dọc theo dây thần kinh ra da và gây bệnh.
Dấu hiệu của bệnh zonasớm là tình trạng mệt mỏi, sốt, đau đầu do dây thần kinh bị ảnh hưởng. Triệu chứng này khá giống với cảm sốt thông thường nên hầu hết bệnh nhân không chẩn đoán phát hiện sớm. Sau đó 1 vài ngày, cơ thể người bệnh xuất hiện tình trạng một số vùng da bị bỏng rát, ngứa ngáy, nhạy cảm, đau khi chạm vào. Mức độ đau nặng dần cho tới khi vùng da phát ban xuất hiện các mụn nước.
Triệu chứng đau từ trung bình đến nặng, nặng dần ở người trưởng thành và lớn tuổi trong khi nó thường không gây đau ở trẻ em. Sau giai đoạn khởi phát từ 1 – 2 ngày, triệu chứng bệnh có thể kéo dài từ 2 – 3 tuần. Tiến triển tiếp theo là các mảng đỏ dày xuất hiện trên da nhiều hơn, khá giống với nổi mề đay. Tuy nhiên nổi mề đay sẽ lan ra toàn thân trong khi zona chỉ xuất hiện ở 1 vài vùng da mặt, mắt, hông, lưng,… giới hạn ở 1 bên cơ thể.
Sau đó, các vết ban đỏ trở nên mọng nước, chứa nhiều mụn nước li ti và dịch tiết trong suốt. Triệu chứng sốt và khó chịu vẫn tồn tại. Lâu dài bọng nước trở nên đục hơn, sau đó vỡ ra và mọc vảy trong vòng 7 – 10 ngày. Vảy sẽ khô và tự bong ra, làn da bị tổn thương sẽ chóng lành. Các trường hợp zona lan rộng, nhiều mụn nước thì có thể để lại sẹo nhạt màu hơn vùng da còn lại.
2. Các thể bệnh zona có thể gặp
Zona ở các đối tượng khác nhau cũng có biểu hiện và mức độ nặng khác nhau, vì thế phương pháp điều trị có thể thay đổi.
2.1. Zona ở mặt
Zona ở mặt khá thường xảy ra, chúng có thể xuất hiện trên vùng da trán, da quanh môi hoặc má. Do mặt chứa nhiều cơ quan nhạy cảm, vùng da mỏng dễ tổn thương nên cần chăm sóc vết phát ban cẩn thận, sát trùng giữ sạch suốt thời gian bệnh để tránh để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Ngoài ra, zona ở mặt dễ gây biến chứng lâu dài nên cần điều trị tích cực, thăm khám kiểm tra thường xuyên.
2.2. Zona ở mắt
Zona ở mắt rất thường gặp, chiếm từ 10 – 25% trường hợp bệnh nhân. Dây thần kinh mắt rất nhạy cảm nên virus gây bệnh có thể để lại biến chứng viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, viêm giác mạc, giảm thị lực, thậm chí mù lòa vĩnh viễn.
2.3. Zona ở tai
Ngoài các triệu chứng thường gặp, zona ở tai còn gây ra tình trạng đau tai, liệt mặt, ăn uống kém, loét trong tai, nổi hạch ở trước và sau tai. Zona ở tai cũng dễ gây biến chứng nặng nên cần điều trị tích cực từ khi triệu chứng bệnh khởi phát. Ngoài ra cần điều trị ngăn ngừa đau sau zona.
2.4. Zona ở miệng
Bệnh nhân có thể mọc mụn nước zona trong miệng, ở niêm mạc vòm họng. Vết tổn thương ban đầu xuất hiện là các nốt mụn nước nhỏ từ 1 – 4mm, sau đó nhanh vỡ ra để lại vết loét khiến người bệnh đau đớn, khó chịu, khó ăn uống, nói chuyện gặp khó khăn. Zona ở miệng rất dễ gây nhầm lẫn với nhiệt miệng nhưng bệnh kéo dài lâu hơn, gây đau đớn hơn nhiệt miệng.
2.5. Zona ở các vùng da cơ thể khác
Viêm da, phát ban do zona có thể xuất hiện ở các vùng da trên cơ thể như: Lưng, ngực, cổ, eo,… song bệnh thường tiến triển nhanh, ít để lại biến chứng hơn zona ở mặt, mắt hay tai. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý vệ sinh vùng da bị zona sạch sẽ, tránh viêm nhiễm để lại sẹo.
3. Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh zona?
Zona không phải là bệnh hiếm gặp, theo thống kê có tới 1/3 dân số mắc bệnh zona ít nhất 1 lần trong đời. Hầu hết các trường hợp mắc zona sẽ không bị tái phát, bệnh cũng thường không gây biến chứng nguy hiểm. Tỉ lệ tái phát lần 2 được thống kê khoảng 5% số bệnh nhân.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona bao gồm:
Độ tuổi: Zona thường xuất hiện ở những người lớn tuổi, nhất là đối tượng người trên 50 tuổi. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Theo thống kê mỗi năm, tỷ lệ mắc zona ở người khỏe mạnh là 1 – 4/1000, còn ở người trên 65 tuổi đạt tới 4 – 12/1000. Đến 50% số người trên 85 tuổi sẽ mắc bệnh zona và tỉ lệ tái phát lại khoảng 5%.
Suy giảm miễn dịch do bệnh lý: Các bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch như Ung thư, HIV/AIDS khiến bệnh nhân dễ mắc bệnh zona hơn. Ngoài ra, điều trị xạ trị hoặc hóa trị cũng làm giảm sức đề kháng cơ thể, tạo điều kiện cho virus tái hoạt động.
Sử dụng thuốc: Các nghiên cứu đã chỉ ra, sử dụng thuốc điều trị lâu dài có tác dụng ngăn ngừa thải ghép làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên nhiều lần, ví dụ như steroid prednisone.
Bị thủy đậu trước 18 tuổi: Nguy cơ virus tái hoạt động và gây bệnh zona cũng cao hơn.
Mặc dù virus Varicella-zoster gây bệnh zona thuộc nhóm virus herpes nhưng không gây ra mụn rộp hoặc herpes sinh dục nên người bệnh không nên quá lo lắng. Hầu hết trường hợp bệnh đều tự khỏi sau 2 – 3 tuần, điều quan trọng là điều trị tích cực phòng ngừa biến chứng kéo dài.
Trong kiểm soát phòng ngừa bệnh zona, biện pháp quan trọng nhất là tiêm phòng vaccine thủy đậu ở các đối tượng có nguy cơ cao, cùng với đó là giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ.
Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nếu lơ là có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề, do đó, nếu có dấu hiệu của bệnh zona, cần đi thăm khám ngay.