Chàm tổ đỉa hay bệnh tổ đỉa là một vấn đề da liễu tương đối thường gặp trong cộng đồng. Tuy không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe tổng thể nhưng bệnh chàm tổ đỉa khiến nhiều người trở nên kém tự tin hơn rất nhiều. Một số người cũng lo ngại liệu bệnh tổ đỉa có lây không. Dưới đây, bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc liên quan đến bệnh chàm tổ đỉa.
1. Thế nào là tình trạng bệnh tổ đỉa?
Bệnh chàm tổ đỉa (hay ngắn gọn hơn là bệnh tổ đỉa) là một bệnh thuộc viêm da cơ địa đặc biệt, được biểu hiện tương đối rõ rệt với hàng loạt mụn nước hình thành ở lòng bàn tay cũng như lòng bàn chân. Các nốt mụn này đôi khi sẽ có chứa dịch bên trong, do đó bên ngoài phồng rộp và có thể bị vỡ nếu có tác động mạnh. Ban đầu, bệnh chỉ xuất hiện ở khu vực bàn tay và bàn chân, nhưng nếu không được điều trị, bệnh sẽ lan đến các vùng da rộng hơn xung quanh.
Cũng theo mức độ tiến triển của bệnh, nốt mụn ban đầu sẽ xuất hiện với kích thước nhỏ, nhưng sau đó sẽ từ từ phát triển thành những nốt mụn to,gây đau và ngứa. Khi đó, tình trạng ngứa sẽ khiến người bệnh gãi và khó chịu, làm gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng.
Một ảnh hưởng tiêu cực khác của bệnh tổ đỉa là các nốt mụn thường mọc thành từng đám, khiến bệnh nhân gặp nhiều phiền phức trong đời sống hàng ngày và khiến việc giao tiếp của bệnh nhân cũng có nhiều cản trở, thiếu tự tin.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa?
Nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc phải bệnh chàm tổ đỉa rất đa dạng và phong phú, trong đó, đặc biệt phổ biến như sau:
- Do yếu tố di truyền: nếu như gia đình của bạn có người thân bị tình trạng viêm da cơ địa hoặc mề đay thì nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa của bạn sẽ cao hơn.
- Người có chứng rối loạn thần kinh giao cảm thường có nguy cơ mắc các bệnh viêm da, bao gồm chàm tổ đỉa, cao hơn.
- Nếu như phải làm việc trong môi trường có điều kiện khắc nghiệt và nóng ẩm, da thường phải tiết nhiều mồ hôi hơn, khiến các vấn đề về da dễ xảy ra hơn. Tương tự như vậy, người tiếp xúc nhiều với hóa chất và chất tẩy rửa cũng có thể mắc bệnh tổ đỉa.
- Những người có cơ địa dễ bị dị ứng cũng có khả năng mắc bệnh.
- Người sống trong môi trường độc hại, khói bụi, ô nhiễm.
- Dị ứng với thực phẩm, đặc biệt là các món ăn lạ hoặc hải sản.
- Chàm tổ đỉa cũng có thể là do tác dụng phụ của một số loại thuốc trị bệnh.
3. Bệnh tổ đỉa có lây không?
Bệnh tổ đỉa có lây không? Câu trả lời là không.
Đại đa số các vấn đề ngoài da đều có thể lây lan, nhưng điều này không đúng với bệnh tổ đỉa. Về cơ bản, chàm tổ đỉa là vấn đề về cơ địa của từng cá nhân. Tuy rằng các nốt mụn tổ đỉa có thể lan từ vùng da này sang vùng da khác trên cùng một cơ thể, nhưng bệnh không lây sang cho người khác thông qua giao tiếp bình thường. Các bác sĩ da liễu cũng nhấn mạnh: ngay cả khi mụn nước bị vỡ ra và tiếp xúc dịch với da của người đối diện, bệnh cũng không lây cho họ.
4. Chàm tổ đỉa có nguy hiểm không?
Mặc dù là vấn đề ngoài da, nhưng khi không được điều trị dứt điểm, bệnh chàm tổ đỉa có thể diễn biến nặng nề hơn, gây ra tình trạng ngứa, sưng đỏ da và vô cùng khó chịu. Bệnh tổ đỉa càng lan rộng, các nốt mụn nhỏ sẽ phát triển lớn hơn, thường có đặc điểm phồng rộp, có thể vỡ ra dịch làm người bệnh đau rát.
Trong trường hợp khi vỡ nốt mụn, nếu bạn không có phương pháp xử lý phù hợp, chúng sẽ nhiễm trùng và làm quá trình điều trị kéo dài hơn, mất nhiều thời gian và hao phí tiền bạc, tạo ra tâm lý chán nản cho bệnh nhân.
Mong rằng bài viết này đã giải đáp được mọi thắc mắc về “Bệnh tổ đỉa có lây không” và giúp mọi người có thêm kiến thức về sức khỏe bản thân và mọi người xung quanh!