Trang chủ Các bệnh ung thư Phẫu thuật ung thư vú như thế nào? Những điều cần biết

Phẫu thuật ung thư vú như thế nào? Những điều cần biết

Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị ung thư vú phổ biến nhất hiện nay. Thông qua phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân loại bỏ được các tế bào gây ung thư vú và ngăn chặn sự lây lan của chúng sang các khu vực khác trong cơ thể, từ đó tăng khả năng sống sót sau ung thư của bệnh nhân.

1. Phẫu thuật loại bỏ ung thư vú

Hầu hết, phụ nữ bị ung thư vú đều trải qua một số loại phẫu thuật nhất định trong quá trình điều trị. Hiện nay có nhiều loại phẫu thuật ung thư vú khác nhau để đáp ứng với tình trạng ung thư của mỗi bệnh nhân. Thông thường, phẫu thuật có thể được thực hiện nhằm:

Có thể bạn quan tâm:

Loại bỏ càng nhiều ung thư càng tốt, bao gồm phẫu thuật bảo tồn vú hoặc cắt bỏ vú
Xác định xem liệu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay hay chưa, chẳng hạn như phẫu thuật sinh thiết hạch giữ cửa (SLNB) hoặc bóc tách hạch bạch huyết ở nách (ALND).
Khôi phục hình dạng của vú sau khi loại bỏ ung thư (tái tạo vú)
Giảm các triệu chứng của ung thư giai đoạn cuối
Bác sĩ sẽ đề nghị một phương pháp phẫu thuật nhất định dựa trên các đặc điểm ung thư vú và tiền sử bệnh của bệnh nhân, hoặc giúp bệnh nhân đưa ra lựa chọn phẫu thuật phù hợp nhất với mình.

Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật chính được sử dụng để loại bỏ ung thư vú, bao gồm:

  • Phẫu thuật bảo tồn vú: Phương pháp này còn được gọi là phẫu thuật cắt bỏ khối u, cắt bỏ một phần tuyến vú, hoặc cắt bỏ bán phần. Đúng như tên gọi của nó, hình thức phẫu thuật này chỉ cắt bỏ một phần tuyến vú, nhằm loại bỏ ung thư cùng với một số mô bình thường lân cận. Việc cắt bỏ bao nhiêu mô vú sẽ phụ thuộc vào vị trí và kích thước phát triển của khối u cũng như các yếu tố khác.
  • Cắt bỏ vú: Cắt bỏ vú là hình thức phẫu thuật loại bỏ toàn bộ vú, bao gồm tất cả các mô vú, hoặc kèm theo các mô lân cận khác. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ cả hai vú.

Phẫu thuật bảo tồn vú là phẫu thuật cắt bỏ khối u, cắt bỏ một phần tuyến vú
Phẫu thuật bảo tồn vú là phẫu thuật cắt bỏ khối u, cắt bỏ một phần tuyến vú

2. Lựa chọn giữa phẫu thuật bảo tồn vú và cắt bỏ vú

Đối với người phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn đầu có thể lựa chọn giữa phẫu thuật bảo tồn vú (BCS) và cắt bỏ vú. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp phẫu thuật bảo tồn vú (BCS) là giúp giữ lại một phần lớn vú cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có khả năng cao phải thực hiện thêm xạ trị. Đối với những phụ nữ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vú cho ung thư giai đoạn đầu sẽ ít cần phải xạ trị hơn.

Ngoài ra, một số bệnh nhân cũng lo lắng rằng phẫu thuật ít mở rộng có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư vú. Tuy nhiên, các nghiên cứu dài hạn đã cho thấy khi áp dụng phẫu thuật bảo tồn vú (BCS) được thực hiện bằng xạ trị thì khả năng sống sót của bệnh nhân cũng tương tự như phẫu thuật cắt bỏ vú ở những người có thể lựa chọn cả hai phương pháp phẫu thuật này.

3. Phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết lân cận

Việc kiểm tra xem liệu ung thư vú đã lan đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay (hạch nách) hay chưa là một bước quan trọng giúp xác định được giai đoạn (mức độ) của ung thư. Các hạch bạch huyết có thể được loại bỏ tương tự như một phần của phẫu thuật loại bỏ ung thư vú hoặc là một cuộc phẫu thuật riêng biệt.

Phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết thường có hai phương pháp chính, bao gồm:

  • Phẫu thuật sinh thiết hạch giữ cửa (SLNB): phương pháp phẫu thuật này chỉ loại bỏ các hạch bạch huyết dưới cánh tay – nơi mà ung thư có khả năng lây lan đầu tiên. Bác sĩ sẽ cắt bỏ một hoặc một vài hạch bạch huyết nhằm giúp bệnh nhân ít gặp phải nguy cơ mắc các tác dụng phụ từ phẫu thuật, chẳng hạn như sưng cánh tay, hay còn được gọi là phù bạch huyết.
  • Bóc tách hạch bạch huyết ở nách (ALND): phương pháp phẫu thuật này thường loại bỏ nhiều (ít hơn 20) hạch bạch huyết dưới cánh tay. Mặc dù ALND không còn được áp dụng phổ biến như trước đây, nhưng nó vẫn là một biện pháp lý tưởng giúp xác định được mức độ của ung thư vú trong một số tình huống.

Phẫu thuật sinh thiết hạch cánh tay – nơi mà ung thư có khả năng lây lan đầu tiên
Phẫu thuật sinh thiết hạch cánh tay – nơi mà ung thư có khả năng lây lan đầu tiên

4. Tái tạo vú sau phẫu thuật

Trong một số trường hợp cụ thể, bệnh nhân ung thư vú có thể lựa chọn phương pháp tái tạo vú. Đây là hình thức khôi phục hình dạng ban đầu của vú sau phẫu thuật, và thường dành cho những phụ nữ đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vú.

Đối với những người đã thực hiện phẫu thuật bảo tồn vú có thể cân nhắc ghép mỡ vào mô vú bị ảnh hưởng để sửa chữa bất kỳ vết lõm nào được để lại sau phẫu thuật. Nhìn chung, các lựa chọn sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người.

Hiện nay có nhiều loại phẫu thuật tái tạo vú khác nhau. Bạn có thể lựa chọn giữa tái tạo vú cùng lúc với phẫu thuật ung thư vú (tái tạo ngay lập tức) hoặc muộn hơn (tái tạo chậm).

Nếu bạn đang băn khoăn về các hình thức phẫu thuật tái tạo vú, hãy trao đổi thêm với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ trước khi thực hiện cắt bỏ vú hoặc bảo tồn vú (BCS). Điều này giúp đội ngũ phẫu thuật có thời gian lên kế hoạch và đưa ra các lựa chọn điều trị tốt nhất dành cho bạn, ngay cả khi bạn phải chờ đợi và phẫu thuật tái tạo vú muộn.

5. Phẫu thuật ung thư vú giai đoạn cuối

Mặc dù phẫu thuật rất ít có khả năng chữa khỏi ung thư vú di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, nhưng nó vẫn được xem là hữu ích trong một số trường hợp nhất định, giúp làm chậm lại sự lây lan của ung thư và ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng của nó. Thông thường, phẫu thuật có thể được sử dụng:

  • Khi khối u vú gây ra vết thương hở ở vú (hoặc ngực)
  • Để điều trị một số khu vực ung thư di căn ở một bộ phận nhất định của cơ thể, chẳng hạn như não
  • Khi một vùng ung thư lan rộng đang đè lên tủy sống
  • Để điều trị tắc nghẽn trong gan
  • Để giảm đau hoặc các triệu chứng khác

Phẫu thuật rất ít có khả năng trị khỏi bệnh ung thư vú
Phẫu thuật rất ít có khả năng trị khỏi bệnh ung thư vú

Có thể bạn quan tâm:

6. Định vị kim dây trước phẫu thuật ung thư vú

Đôi khi, khối ung thư trong vú có thể khó tìm, không sờ thấy được hoặc khó tiếp cận. Lúc này bác sĩ sẽ sử dụng hình ảnh chụp X- quang tuyến vú hoặc siêu âm vú để đặt một kim dây vào đúng vị trí bị tổn thương. Phương pháp này còn được gọi là định vị kim dây. Trong một số trường hợp hiếm gặp, chụp MRI có thể được áp dụng nếu chụp X-quang tuyến vú hoặc siêu âm không thành công.

Sau khi vú đã được làm tê, chụp X-quang tuyến vú hoặc siêu âm được sử dụng để đưa một cây kim rỗng và mỏng đến khu vực bất thường. Khi đầu kim đã ở đúng vị trí, một sợi dây mỏng sẽ được luồn qua tâm kim. Kim sẽ được cố định bởi một chiếc móc nhỏ ở đầu dây. Sau đó, bác sĩ sẽ lấy cây kim ra và sử dụng dây để định hướng phần vú cần cắt bỏ.

Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới. Theo đó, nếu bệnh ung thư vú được phát hiện sớm thì tiên lượng điều trị bệnh rất cao, thậm chí có thể khỏi hẳn và không tái phát. Vì thế, việc tầm soát ung thư vú là việc làm cần thiết, nhất là với các đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vú cao.

Tổng hợp: suckhoechoban.net

Đọc nhiều nhất