Trang chủ Các bệnh ung thư Nên làm gì khi mắc bệnh ung thư xương? Cách điều trị

Nên làm gì khi mắc bệnh ung thư xương? Cách điều trị

Ung thư xương là loại ung thư xuất hiện một khối u ác tính trong xương. Các tế bào gây ung thư thường phát triển rất nhanh và có khả năng phá hủy các mô xương khỏe mạnh, gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

1. Phân loại ung thư xương

Ung thư xương bao gồm ung thư xương nguyên phát và thứ phát:

  • Ung thư xương nguyên phát: Ung thư hình thành trong các tế bào xương
  • Ung thư xương thứ phát: ung thư bắt đầu từ nơi khác của cơ thể và di căn đến xương.

Ung thư xương thường xảy ra ở những vùng như xương đùi, xương chày, đầu trên xương cánh tay và đầu dưới xương quay.

2. Triệu chứng của ung thư xương

Những triệu chứng của bệnh ung thư xương thường phụ thuộc vào mỗi giai đoạn của bệnh. Trong giai đoạn đầu, hầu hết các triệu chứng thường rất mờ nhạt và khó nhận biết, thông thường sẽ có một số dấu hiệu sau:

  • Xương yếu đi
  • Đau xương
  • Đi lại khó khăn
  • Những người ở độ tuổi 30 thường cảm thấy đau mỏi chân tay
  • Các chi có dấu hiệu yếu đi, tê liệt hoặc đau nhói do bị các khối u chèn ép tủy sống hoặc chèn ép rễ thần kinh.
  • Cảm thấy có một vùng xương ấm hơn

Đau xương là triệu chứng trong giai đoạn đầu của ung thư xương
Đau xương là triệu chứng trong giai đoạn đầu của ung thư xương

Trong giai đoạn sau, thường là giai đoạn III và IV, bệnh ung thư tiến triển nặng hơn và các triệu chứng xuất hiện cũng rõ rệt hơn rất nhiều, bao gồm:

  • Cơ thể trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, nhanh bị kiệt sức
  • Toát mồ hôi bất thường
  • Chán ăn, sụt cân
  • Xuất hiện hạch ngoại vi
  • Sốt cao dài ngày và không rõ nguyên nhân
  • Bị táo bón, nôn ói, thậm chí lú lẫn
  • Da xanh tái, nhợt nhạt
  • Các vết thương dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn và lâu lành
  • Bị xuất huyết dưới da.

3. Nguyên nhân gây ung thư xương

Hầu hết ung thư xương đều là ung thư thứ phát, do các tế bào ung thư di căn từ các bộ phận khác sang xương, chỉ có một vài trường hợp là ung thư xương nguyên phát.

Hiện nay, giới y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra ung thư xương, tất cả chỉ là những yếu tố gây nguy cơ. Dưới đây là một vài yếu tố có thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh:

  • Bệnh gây ra bởi một lỗi ADN làm cho các tế bào lớn lên và phân chia một cách không kiểm soát được.
  • Bức xạ ion hóa: những người thường xuyên phải tiếp xúc với ion hóa trong quá trình xạ trị có thể làm biến đổi các tế bào, dẫn đến tình trạng ung thư xương.
  • Chấn thương: sự va chạm mạnh hoặc những tác động từ bên ngoài có thể trở thành tiền đề khiến bạn bị ung thư xương về sau.

4. Ung thư xương có chữa được không?

Đa số những người bị mắc bệnh ung thư xương đều có chung một tâm lý hoang mang lo sợ, không biết liệu có thể chữa được căn bệnh này hay không. Mặc dù đây là một trong những bệnh ung thư hết sức nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện sớm và được điều trị đúng cách có thể mang lại khả năng sống sót cao cho người bệnh.

Để có thể lựa chọn được phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ dựa vào những chẩn đoán bệnh ban đầu. Một số các xét nghiệm chẩn đoán có thể được thực hiện, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Chụp CT
  • Chụp MRI
  • Chụp X-quang
  • Scan xương
  • Chụp cắt lớp phát xạ (PET)
  • Sinh thiết xương

Bên cạnh đó, để lựa chọn một phương pháp điều trị ung thư xương hợp lý cho người bệnh còn phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Bệnh nhân mắc loại ung thư xương nào?
  • Vị trí của ung thư
  • Mức độ phát triển của tế bào ung thư
  • Ung thư khu trú tại chỗ hay đã lây lan sang bộ phận khác

5. Các phương pháp điều trị ung thư xương

Phẫu thuật là phương pháp triệt căn, giúp loại bỏ các khối u gây ung thư
Phẫu thuật là phương pháp triệt căn, giúp loại bỏ các khối u gây ung thư

Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng cho mọi loại bệnh ung thư, và ung thư xương cũng không là ngoại lệ.

*Phẫu thuật:

Phẫu thuật là phương pháp triệt căn, giúp loại bỏ các khối u gây ung thư. Đối với ung thư xương, phẫu thuật không chỉ cắt bỏ những khối u mà còn bao gồm cả những mô khỏe mạnh xung quanh nó. Kỹ thuật phẫu thuật cắt bỏ rộng đã làm giảm số lần cắt cụt chi được thực hiện cho những người bị ung thư xương. Những ca phẫu thuật bảo tồn này thường đòi hỏi phải phục hình bằng tấm kim loại hoặc xương từ các bộ phận khác của cơ thể.

Tuy nhiên, đối với những người bị ung thư ở những nơi không thể cắt bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật thì cắt cụt chi có thể là phương án điều trị tốt nhất.

* Liệu pháp sử dụng thuốc:

Đây là liệu pháp tiêu diệt các tế bào ung thư bằng thuốc. Một số hình thức sử dụng thuốc bao gồm tiêm tĩnh mạch, dạng uống (viên nang). Các loại trị liệu toàn thân được sử dụng cho ung thư xương có thể bao gồm:

  • Hóa trị
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư đồng thời hạn chế thiệt hại cho các tế bào khỏe mạnh.
  • Liệu pháp miễn dịch: được gọi là liệu pháp sinh học, được thiết kế để tăng khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư.

*Xạ trị:

Là biện pháp sử dụng tia xạ để làm tổn thương các tế bào ung thư, và ngăn chúng phát triển. Tuy nhiên, đối với ung thư xương, liệu pháp này không khả quan và không đáp ứng được mục tiêu điều trị. Chỉ có thể xạ trị những triệu chứng chống đau và chống gãy xương.

*Hóa trị:

Là phương pháp sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư, giữ cho các tế bào ung thư không phát triển, phân chia và tạo ra nhiều tế bào hơn.

Các loại ung thư xương phát triển nhanh thường được điều trị bằng hóa trị trước khi phẫu thuật. Đối với hầu hết các khối u cấp cao, bác sĩ ung thư có thể cho hóa trị trong 3 đến 4 chu kỳ trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u nguyên phát và giúp loại bỏ dễ dàng hơn. Hóa trị trước khi phẫu thuật cũng có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn vì nó phá hủy các tế bào ung thư đã di căn từ khối u ban đầu. Phản ứng của khối u đối với hóa trị liệu, được đánh giá bằng kính hiển vi sau khi khối u nguyên phát đã được loại bỏ, có thể được sử dụng để xác định tiên lượng tốt hơn.

Sau khi đã hồi phục sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể nhận thêm hóa trị liệu để tiêu diệt bất kỳ tế bào khối u còn sót lại cũng như ngăn chặn bệnh tái phát. Mong rằng bài viết này hữu ích cho bạn đọc nhé!

Đọc nhiều nhất